Năm 2017, ngành thép Việt Nam dự báo tiếp tục gặp khó khăn do phụ thuộc vào nguyên liệu từ các nước và phải cạnh trạnh gay gắt với nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngành thép tiếp tục đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương khởi xướng điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.
Ngành thép đang phải cạnh trạnh gay gắt với nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. (Ảnh minh họa: KT)
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 22 triệu tấn sắt thép, trị giá gần 11 tỷ USD, tăng về số lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trong năm, Việt Nam chỉ xuất khẩu chỉ ở mức 3,9 tỷ USD, còn nhập siêu lên tới gần 7 tỷ USD. Riêng trong tháng 1 vừa qua, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng sắt thép đã đạt tới con số 710 triệu USD, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù hiện nay, các doanh nghiệp thép trong nước đã sản xuất được nhiều chủng loại thép khác nhau nhưng số lượng thép nhập khẩu vẫn tăng mạnh, như: phôi thép, tôn mạ và sơn phủ màu và chiếm tới trên 50% thị phần nội địa, ảnh hưởng rất lớn đối với thị trường trong nước.
Ông Nguyễn Thành Trung, Tổng Giám Công ty cổ phần tôn Đông Á chia sẻ, thời gian gần đây, thép lá mạ nhập khẩu vào Việt Nam tăng lên rất mạnh với khối lượng trung bình khoảng 2 triệu tấn/năm, trong khi đó thị trường Việt Nam chỉ tiêu thụ khoảng 4 triệu tấn.
“Các nhà máy sản xuất thép lá mạ trong nước phải chia nhau thị phần sản xuất, khoảng 5%. Đây là con số rất nhỏ so với năng lực thực tế của các doanh nghiệp sản xuất thép hiện nay”, ông Trung cho biết.
Việc nhập khẩu lượng lớn thép từ Trung Quốc đang và sẽ tiếp tục đe dọa sản phẩm thép trong nước. Điều này khiến cho tình trạng nhập siêu ngày càng căng thẳng, tiêu tốn lượng lớn ngoại tệ cho nhập khẩu, gây áp lực lên điều hành tỷ giá. Bên cạnh đó còn làm cho nền kinh tế phụ thuộc ngày càng lớn vào hàng ngoại nhập, trong khi hàng sản xuất trong nước bị mất dần thị trường ngay trên sân nhà.
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ phân tích, ngành thép trong nước phải cạnh tranh rất lớn với hàng hóa của nước ngoài, đặc biệt là với sắt, thép Trung Quốc dư thừa và giá rẻ. Ngoài ra, các nước khác có nhiều ưu thế hơn nên khi nhập khẩu thép sẽ chịu nhiều thách thức rất lớn đối với thị trường trong nước.
“Do nguồn cung chưa đủ dẫn đến việc Việt Nam phải nhập siêu. Tuy nhiên, cần phải nâng cao sức cạnh tranh để có thể thích ứng được với tình hình mới của thị trường, trong khi thép là vật tư chiến lược nên cần phải tìm mọi cách để phát triển”, chuyên gia Lưu Bích Hồ chỉ rõ.
Trước tình trạng nhập khẩu thép với số lượng lớn hiện nay, Hiệp hội Thép Việt Nam đưa ra dự báo, năm nay, ngành thép tiếp tục gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc lớn vào việc nhập khẩu nguyên liệu từ các nước, đặc biệt là Trung Quốc.
Một số sản phẩm thép như thép cuộn cán nóng chưa sản xuất được trong nước bắt buộc doanh nghiệp phải nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài. Ngoài ra, ngành thép nước ta cũng phải đối mặt với những vụ kiện tụng thương mại quốc tế, có hiện tượng tăng nhập khẩu các mặt hàng thép không chịu thuế tự vệ và giảm nhập khẩu đối với thép chịu thuế tự vệ.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam cho biết, đã có công văn kiến nghị việc tăng cường kiểm tra và quản lý chặt chẽ, không để xảy ra hành vi lẩn tránh thuế tự vệ đối với các mặt hàng thép cuộn nhập khẩu. Các doanh nghiệp thành viên cần phát huy nội lực, tăng cường đầu tư, cải tiến chất lượng sản phẩm để có thể cạnh tranh với sản phẩm thép của nước ngoài.
Để hạn chế việc nhập khẩu thép trong nước đã sản xuất được, biện pháp căn cơ nhất vẫn là các nhà sản xuất phải hoàn thiện công nghệ thiết bị để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, đảm bảo chất lượng tốt mà giá thành hợp lý. Tiếp đó, cần phải theo dõi quá trình nhập khẩu và sử dụng thép nhập khẩu như thế nào, để có biện pháp áp dụng những giải pháp phòng vệ thương mại mà các nước vẫn làm để bảo vệ nền sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp cũng cần phải nâng cao nhận thức về quá trình hội nhập quốc tế, trên cơ sở đó xây dựng nên chiến lược lâu dài, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm mình sản xuất ra”, ông Sưa khuyến cáo.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, đến năm 2020 cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô; đến năm 2025, con số này sẽ là 20 triệu tấn, giá trị nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng tăng. Mặc dù các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước có khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường, song sắt thép trong nước vẫn liên tục phải cạnh tranh về giá với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài tràn vào Việt Nam.
Do vậy, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, tự vệ tạm thời để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đảm bảo cạnh tranh công bằng với hàng nhập khẩu./.