Các nhà sản xuất thép của Mỹ cho rằng nhập khẩu thép ồ ạt đang đe dọa an ninh quốc gia, trong khi các chính phủ và tập đoàn nước ngoài kêu gọi Washington thận trọng với việc áp dụng các biện pháp bảo hộ tăng cường đối với mặt hàng này.
Ngày 24/5, Bộ Thương mại Mỹ tổ chức một phiên điều trần trong khuôn khổ điều tra của bộ trên về những tác động của nhập khẩu thép tới an ninh quốc gia. Kết luận của cuộc điều tra mang tính quyết định đối với việc Washington áp đặt thêm thuế hoặc hạn ngạch đối với sản phẩm thép nhập khẩu từ nước ngoài. Phát biểu tại phiên điều trần, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross bày tỏ hy vọng hoàn thành công tác đánh giá vào cuối tháng 6 tới.
Giới lãnh đạo ngành thép của Mỹ cho rằng hoạt động nhập khẩu ồ ạt đang làm xói mòn nền tảng công nghiệp nước này và theo đó có thể tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất năng lượng và thiết bị quốc phòng.
Ông John Ferriola, Giám đốc điều hành Tập đoàn Nucor - nhà cung cấp thép để sản xuất hàng loạt thiết bị quân sự bao gồm xe Humvee và hệ thống tên lửa Patriot - nhấn mạnh hoạt động của hãng đòi hỏi "đầu tư liên tục" để đáp ứng nhu cầu của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, dư thừa lượng cung toàn cầu và cạnh tranh thiếu công bằng từ hàng nhập khẩu đang đe dọa khả năng đầu tư của các doanh nghiệp thép nội địa Mỹ.
Trong khi đó, Giám đốc AK Steel Roger Newport cho rằng nhập khẩu đang de dọa hoạt động sản xuất thép sử dụng trong sản xuất và truyền tải điện, đẩy mạng lưới cung cấp điện của Mỹ vào nguy cơ phải phụ thuộc vào nhập khẩu.
Đáp lại, các nhà sản xuất thép nước ngoài cảnh báo việc dựng thêm các rào cản thương mại là không cần thiết và mang lại những tác động không mong muốn.
Ông Karl Tachelet, quan chức của Hiệp hội công nghiệp thép châu Âu (Eurofer), cho rằng những hành động hạn chế thương mại đơn phương sẽ không giúp mang lại giải pháp dài hạn mà các bên đều đang tìm kiếm.
Trong khi đó, đại diện của Bộ Thương mại Trung Quốc dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ rằng nhu cầu thép phục vụ hoạt động quốc phòng Mỹ chỉ chiếm 3% khối lượng thép giao nội địa kèm nhận định mức độ sản xuất hiện tại hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu quốc phòng trước mắt cũng như trong tương lai.
Về phần mình, đại diện phái bộ thương mại của Nga tại Mỹ nêu rõ hoạt động xuất khẩu thép của Nga sang Mỹ đã và đang gặp nhiều giới hạn do các biện pháp chống bán phá giá và thuế của Washington.
Cũng trong ngày 24/5, trả lời phóng viên tại Washington, Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries bày tỏ quan ngại cuộc điều tra của Mỹ có thể dẫn tới việc kim loại xuất khẩu từ Đức sang Mỹ phải chịu mức thuế quan cao hơn. Bà Zypries đang ở Washington để gặp Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, đồng thời bày tỏ hy vọng trao đổi trực tiếp vấn đề này với Bộ trưởng Wilbur Ross./.
Trong gần bốn tháng qua, giá mặt hàng thép 14 lần liên tục “lao dốc” với tổng mức giảm từ 4 triệu đồng đến 5,5 triệu đồng/tấn tùy từng thương hiệu, chủng loại. Ðiều này khiến thị trường xây dựng giảm bớt áp lực, song lại khiến nhiều doanh nghiệp ngành thép có nguy cơ rơi vào thua lỗ trong sản xuất, kinh doanh.
Các doanh nghiệp thép đều đang đặt kỳ vọng cuối năm 2022 giá thép sẽ phục hồi khi các dự án xây dựng tăng tốc. Song với lượng hàng tồn kho còn khá lớn, nhất là những tháng cuối năm có thể chịu tác động xấu do nhu cầu sụt giảm, bảo hộ thương mại gia tăng, cùng với thời tiết vào mùa mưa,… là những yếu tố bất lợi, cản đà phục hồi của ngành thép.
Giá thép giảm 14 lần liên tiếp
Ðến giữa tháng 8 vừa qua, đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất thép trong nước thông báo giảm giá lần thứ 14 liên tiếp trong gần bốn tháng. Theo đó, tại khu vực miền bắc, giá thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 thương hiệu Hòa Phát giảm khoảng 300 nghìn đồng/tấn, với giá lần lượt còn 14,8 triệu đồng/tấn và 15,7 triệu đồng/tấn. Còn với thương hiệu Việt Nhật, mức giảm từ 200 nghìn đồng đến 310 nghìn đồng/ tấn, sau điều chỉnh giá hai loại thép này lần lượt còn 14,7 triệu đồng/tấn và 15,3 triệu đồng/tấn.
Riêng tại khu vực miền trung, thép Pomina có mức giảm mạnh nhất với giá thép cuộn CB240 giảm tới 1,31 triệu đồng/tấn, xuống còn 14,98 triệu đồng/tấn, thép thanh vằn D10 CB300 giảm 310 nghìn đồng/tấn, xuống còn 16,39 triệu đồng/tấn.
Sau bốn tháng đầu năm tăng nóng, bảy lần điều chỉnh tăng giá bán, đã có lúc giá thép chạm ngưỡng 21 triệu đồng/tấn, nay giá thép trong nước lại đảo ngược bất ngờ, về mức thấp hơn thời điểm đầu năm. Theo chia sẻ của Giám đốc Công ty Xây dựng Thành Thắng, Lê Ðình Thắng, sau thời gian dài tăng nhanh, việc giá thép giảm mạnh giúp cho các dự án thi công nhận thầu từ đầu năm đến nay có phần dễ thở đối với công trình có trị giá lớn do không còn phải bù lỗ với các hợp đồng đơn giá cố định.
Suốt thời gian dài vừa qua, biên lợi nhuận của doanh nghiệp luôn phải chịu nhiều áp lực do chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao kèm theo thị trường bất động sản trầm lắng, đầu tư công chưa đạt kỳ vọng. Khi giá thép “hạ nhiệt” sẽ làm giảm bớt gánh nặng cho nhiều doanh nghiệp xây dựng bởi thép thường chiếm khoảng 20%-30% chi phí mỗi công trình.
Tuy nhiên, việc giá thép liên tục “dò” đáy có thể khiến cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép trong năm 2022 sẽ không đạt như kỳ vọng. Ðơn cử như Tập đoàn Hòa Phát, nửa đầu năm 2022 ghi nhận doanh thu 82.118 tỷ đồng và 12.229 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng giảm 27% so với cùng kỳ năm 2021, hoàn thành 46% kế hoạch năm.
Trên cơ sở đó, Hòa Phát dự kiến lợi nhuận cả năm 2022 chỉ đạt mức 25 nghìn tỷ đến 30 nghìn tỷ đồng, thấp hơn mức lợi nhuận 34.521 tỷ đồng của năm 2021. Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) cũng vừa thông báo, lãi quý II/2022 giảm 90% so cùng kỳ năm 2021, xuống còn gần sáu tỷ đồng. Tương tự, Công ty cổ phần Thép Thủ Ðức, báo cáo doanh thu quý II/2022 với lợi nhuận sau thuế âm gần hai tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 lãi 34 tỷ đồng.
Kỳ vọng những tháng cuối năm
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nửa đầu năm 2022, phần lớn các nhà máy đều trong tình trạng khó khăn do lượng hàng tồn kho cao với mức 1,42 triệu tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2021. Mức độ cạnh tranh giữa các nhà máy ngày càng khốc liệt về giá bán và xâm lấn thị phần của nhau.
Ðể tháo gỡ khó khăn, nhiều nhà máy thép đã buộc phải cắt giảm sản xuất từ 3 ca/ngày xuống còn 2 ca/ngày, thậm chí có những giai đoạn phải dừng sản xuất. Chủ tịch VSA Nghiêm Xuân Ða dự báo, thép xây dựng từ tháng 7 đến tháng 9 sẽ kém sôi động do thời tiết bước vào mùa mưa, đây cũng là một trong những yếu tố tạo nên tính chu kỳ cho ngành thép khiến nhiều công trình xây dựng ảnh hưởng tiến độ. Giá thép xây dựng trong nước sẽ tiếp tục giảm, trong khi lợi nhuận mảng xuất khẩu mặt hàng này không còn tốt như trước. Gần đây, EU đang ngày càng siết chặt các chính sách bảo hộ thương mại đối với sản phẩm thép của Việt Nam, giảm hạn ngạch nhập khẩu.
Với điều chỉnh này, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam sang thị trường EU có thể sẽ giảm trong thời gian tới. Trong khi đó, những yếu tố khiến triển vọng thị trường thép nửa cuối năm chưa khả quan khi tốc độ giải ngân đầu tư công chậm, ngân hàng siết tín dụng bất động sản, mùa cao điểm xây dựng đã qua,… khiến các doanh nghiệp thép “bí” đầu ra.
Ngành thép Việt Nam đang phải đối mặt với sức ép cả về phía cung và cầu khi giá nguyên vật liệu tăng, trong khi nhu cầu bị thu hẹp. Dự báo trong năm 2022, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế khoảng 6 triệu-6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite 10 nghìn tấn. Nhưng khả năng giá quặng sắt, thép phế, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc,… vẫn duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép trong nước.
Bộ Công thương đã có những biện pháp bảo đảm cung cầu và bình ổn giá, theo dõi và xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất thép. Ngành Công thương đã tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời hiện tượng đầu cơ tăng giá, thao túng giá thép trên thị trường, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng,…
Thời gian qua, các dự án đầu tư triển khai có phần chậm, kéo theo lượng thép tiêu thụ giảm khiến các doanh nghiệp thép buộc phải giảm công suất sản xuất, trong khi thép tồn kho từ trước còn khá lớn, cho nên khi giá giảm mạnh như hiện nay sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh. Doanh nghiệp nào tồn kho nhiều sẽ phải chịu cảnh “đầu vào cao, đầu ra thấp”, khiến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.
Các chuyên gia dự báo từ nay đến cuối năm sẽ còn nhiều khó khăn đối với ngành thép, song với những kinh nghiệm tích lũy được trong việc ứng phó trên thị trường nhiều năm qua, vẫn có nhiều tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam có các giải pháp sáng tạo vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh. Dịp cuối năm, nhất là trong quý IV, việc xây dựng công trình nhà ở, bất động sản tăng trưởng trở lại sẽ khiến lượng tiêu thụ các sản phẩm thép trong năm 2022 có thể tăng trưởng quanh mức 7%-10%.