Những vấn đề nội tại của nền kinh tế Trung Quốc đang khiến nước này đứng trước quyết định tung ra gói kích thích chi tiêu cơ sở hạ tầng quy mô tới 100 tỷ USD. Nếu điều này xảy ra, giá thép trên thị trường sẽ tăng và vua thép Việt - Trần Đình Long sẽ hưởng lợi.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HPG đã đóng cửa phiên 23/1 tại mức giá 30.050 đồng/cổ phiếu, ghi nhận mức tăng 1,86% và cao hơn mức giá của 1 tháng trước đó.
Theo đó, biên độ giảm của HPG trong vòng 3 tháng qua hiện chỉ thu hẹp còn 25%. Trước đó, HPG từng rơi xuống mức đáy 28.850 đồng/cổ phiếu trong phiên 8/1/2019.
Sự sụt giảm của giá cổ phiếu là nguyên nhân chính khiến giá trị tài sản của ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT Hoà Phát bị tuột khỏi mốc 1 tỷ USD. Do đó, triển vọng tăng giá của mã cổ phiếu này sẽ giúp ông Long có thể giành lại danh xưng “tỷ phú USD” trong năm 2019 này.
Giá thép sẽ tăng?
Trong một báo cáo phân tích vừa phát hành, ông Anirban Lahiri – Giám đốc Khối Phân tích của Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng, giả thiết Chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng sắp thành hiện thực.
Khi gói đầu tư cơ sở hạ tầng này bắt đầu triển khai thì giá thép có thể sẽ tăng lên và do đó ảnh hưởng đến định giá cổ phiếu HPG của Hoà Phát khi cổ phiếu này gần đây có diễn biến khá tương đồng với xu hướng giá thép ở Trung Quốc.
Nhìn vào số liệu mới nhất của Trung Quốc – điều bất ngờ là mặc dù xuất khẩu giảm mạnh (như dự báo, do chiến tranh thương mại), tăng trưởng nhập khẩu lại giảm với tốc độ gấp 10 lần so với tăng trưởng xuất khẩu. Đây là một thước đo thực tế cho tốc độ giảm cầu của nền kinh tế Trung Quốc.
Theo ông Lahiri, sự khác biệt này có thể là do việc xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh phục vụ cho nhu cầu tích trữ trước thời điểm tăng thuế áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc (dự kiến ban đầu vào tháng 1/2019 trước khi có thỏa thuận tạm hoãn gần đây sau nhiều cuộc đàm phán thương mại).
Vì vậy, nếu xuất khẩu hàng hóa thành phẩm tăng nhanh nhưng các đơn hàng mới vẫn bị áp thuế thì nhập khẩu hàng hóa trung gian và nguyên liệu (chiếm tỷ trọng lớn trong hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc) để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sẽ giảm ngay cả khi xuất khẩu vẫn duy trì.
Song, ông Lahiri đánh giá đây chỉ là một phần nguyên nhân. Khoảng cách lớn giữa tăng trưởng nhập khẩu và xuất khẩu (được thể hiện trong mức thặng dư thương mại cao của Trung Quốc) cho thấy sự sụt giảm về nhu cầu trong nước.
Giá cổ phiếu HPG sụt giảm đã khiến giá trị tài sản của "vua thép" Trần Đình Long bị ảnh hưởng
Giá cổ phiếu HPG sẽ được hỗ trợ
Chuyên gia VNDirect cho rằng, gói kích thích đầu tư cơ sở hạ tầng là điều cần thiết với Trung Quốc vì chính sách tiền tệ không phù hợp với Trung Quốc (lãi suất đã ở mức thấp và việc ổn định đồng nội tệ là ưu tiên hàng đầu).
Chính sách tài khóa cổ điển dưới dạng cắt giảm thuế được cho là sẽ khó cải thiện tình hình do thuế ròng của Trung Quốc không đủ lớn. Nếu hầu hết các doanh nghiệp và cá nhân không phải trả thuế thì việc cắt giảm thuế mới khó có thể thúc đẩy tăng trưởng.
Mặc dù không cho rằng Trung Quốc sẽ dốc toàn lực cho việc kích thích chi tiêu này nhưng ông Lahiri vẫn không loại trừ về khả năng của gói kích thích chi tiêu cơ sở hạ tầng có giá trị 50-100 tỷ USD. Nếu điều này thành hiện thực thì tâm lý thị trường đối với thép Trung Quốc sẽ cải thiện và hỗ trợ giá cổ phiếu HPG của Hoà Phát ra khỏi vùng quá bán.
Ngoài ra, điểm mạnh cốt lõi của nền kinh tế Việt Nam, theo ông Lahiri, nên được tính vào khi so sánh giữa Hoà Phát và các doanh nghiệp thép Trung Quốc. Vị chuyên gia tỏ ra ngạc nhiên khi thấy các nhà sản xuất thép Trung Quốc chiếm phần đa số trong bảng các doanh nghiệp tương đồng của Hoà Phát dù động lực tăng trưởng hiện tại của Việt Nam đang khác biệt nhiều so với Trung Quốc.
Trong khi đó, sản xuất nội địa tại Việt Nam hiện rất bền vững và việc mở rộng công suất công nghiệp sẽ cải thiện nhu cầu thép xây dựng trong bối cảnh thị trường nhà ở và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng sụt giảm.
Tóm lại, chuyên gia VNDirect cho rằng, sự phục hồi giá cổ phiếu HPG có thể chỉ mang tính tạm thời nếu các biện pháp kích thích của Trung Quốc không thực sự hiệu quả trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hay bóng đen chiến tranh thương mại quay trở lại và thậm chí việc Chính phủ Mỹ đóng cửa bắt đầu tác động lan sang nền kinh tế nước này.
Tuy nhiên, “nếu một trong ba điều trên trở thành hiện thực thì chúng ta có nhiều thứ cần phải lo lắng hơn là mối bận tâm về riêng một doanh nghiệp thép Việt Nam”, ông Lahiri kết luận.