Phản ứng ở khu vực Châu Á trước quyết định cuối cùng của Bộ Thương mại Hoa Kỳ hôm thứ Tư liên quan đến thuế chống bán phá giá và chống trợ giá cho tấm mỏng chống ăn mòn rất khác nhau, trong khi Trung Quốc công khai chỉ trích mình bị phân biệt đối xử thì Ấn Độ lại bỏ qua một bên.
Tất cả các nhà máy Trung Quốc sẽ phải chịu biên độ phá giá lên tới 209.97% và thuế chống trợ giá từ 39.05~ 241.07%, một kết quả mà đại diện từ Văn phòng điều tra và biện pháp khắc phục thương mại thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc đã chỉ trích gay gắt như là một hành động của việc bảo hộ thương mại và phân biệt đối xử đối với các sản phẩm của Trung Quốc.
Nhưng nhiều người trong ngành thép Trung Quốc mà Platts đã liên hệ thì lại thoải mái. “Hầu hết các nhà xuất khẩu đã ngưng xuất tấm mỏng mạ trong đó có HDG sang Mỹ kể từ tháng 6 năm ngoái khi Mỹ bắt đầu mở cuộc điều tra”, một thương nhân ở Thượng Hải cho biết. Mức thuế cuối cùng không thu hút được nhiều sự chú ý của thị trường bởi vì chúng không làm thay đổi thực tế rằng thị trường Mỹ đã bị đóng cửa đối với thép Trung Quốc.
Tại Hàn Quốc, phát ngôn viên Hiệp hội Sắt thép đã từ chối bình luận chính thức mà chỉ nói rằng “các công ty Hàn Quốc được nêu tên sẽ phản ứng một cách riêng rẽ trước quyết định này”. Mỹ điều tra thấy xuất khẩu thép của Hàn Quốc đã tăng lên 594.000 tấn trong năm ngoái từ 444.100 tấn của năm 2014. Trong khi xuất khẩu từ các nhà cung cấp Châu Á khác bị nằm trong tầm ngắm là Trung Quốc, Đài Loan và Ấn Độ- tất cả đều giảm trong giai đoạn 2014-2015.
Hyundai Steel có tấm mỏng mạ xuất tới Mỹ và DoC muốn áp thuế bán phá giá lên tới 47.8%, hôm thứ Năm công ty vẫn đang nghiên cứu kết quả này và quyết định có thể có những biện pháp kháng án. Tuy nhiên, đại diện nhà máy thừa nhận “thuế AD được áp dụng chắc chắn cao hơn mong đợi của chúng tôi”.
Thép cuộn của Nhật không nằm trong cuộc điều tra mới đây của Washington, nhưng dù sao các nhà quan sát Nhật cũng lo lắng về kết quả hôm thứ Tư. Một thương nhân sợ rằng lượng thép mà không vào được thị trường Mỹ có thể có mặt tại chính thị trường Nhật hoặc là các thị trường xuất khẩu mà Nhật đang cung cấp.
Kết quả này có thể cũng sẽ tạo ra một cơ hội cho các nhà máy Nhật Bản để xuất khẩu tới Mỹ, nhưng ông hoài nghi về điều này. “Gần đây các nhà máy Nhật đã trở nên thận trọng về việc xuất khẩu tới những nước mà có thể sớm áp dụng các biện pháp thương mại, trong đó có Mỹ”.
Tại Ấn Độ, các nhà máy tỏ ra rất thờ ơ. “Chúng tôi đã nhận được mức thuế thấp hơn so với những nước xuất khẩu khác”, đại diện một nhà máy giải thích.