Việt Nam tăng dự án thép: Vì sao thế, Bộ Công thương? 05.12.2016

“Tôi không hiểu vì sao Bộ Công Thương lại say sưa với dự thảo tăng dự án thép và đi trái với quy luật phát triển của kinh tế thế giới?”.

Cạnh tranh kiểu gì?

Bộ Công Thương vừa ban hành dự thảo quy hoạch ngành thép Việt Nam giai đoạn đến 2025, định hướng đến 2035.

Theo đó đến năm 2020 sản lượng sản xuất gang và sắt xốp sản xuất trong nước sẽ đạt 8 triệu tấn; năm 2025 đạt 15 triệu tấn; năm 2035 đạt 30 triệu tấn.

Sản lượng sản xuất phôi thép đến năm 2020 sẽ đạt sản lượng 18 triệu tấn; năm 2025 đạt 27 triệu tấn; năm 2035 đạt 52 triệu tấn phôi thép. Đặc biệt, sản lượng xuất khẩu gang, thép các loại đến năm 2020 đạt 3 triệu tấn; năm 2025 đạt 4 triệu tấn; năm 2035 đạt 6 triệu tấn gang và thép các loại.

Đặc biệt, ưu tiên phát triển sản xuất thép tập trung ở vùng ven biển, nơi có nhiều cảng nước sâu, quỹ đất còn nhiều và không ảnh hưởng đến an ninh lương thực; Ưu tiên phát triển sản xuất thép tại vùng miền núi, nơi có các mỏ sắt trữ lượng đủ lớn để đầu tư nhà máy sản xuất thép khép kín với công nghệ tiên tiến và quy mô thích hợp.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng cần phải xem xét lại dự thảo quy hoạch thép một cách hết sức nghiêm túc.

Theo PGS.TS Long, phát triển ngành thép luôn luôn gắn liền với các yêu cầu đòi hỏi về môi trường. Hơn hết, để vạch ra kế hoạch dài hạn như vậy, Bộ Công Thương cũng như các nhà quản lý cần trả lời được 2 câu hỏi sau. Thứ nhất “thị trường có nhu cầu hay không?”. Câu hỏi thứ hai là “Sản phẩm làm ra có cạnh tranh được với các nước khác không?”.

Các chuyên gia bày tỏ lo lắng trước việc Bộ Công Thương tính tăng sản lượng thép trong thời gian tới

Đi vào phân tích cụ thể hơn, ông Long nhấn mạnh: “Từ trước đến nay những kế hoạch, chiến lược của ngành công thương phần lớn không đi vào cuộc sống. Nếu không thất bại thì cũng chưa thật sự thành công. Thường thường các Bộ, ngành làm vẽ trên giấy và để xảy ra rất nhiều hậu quả đầu tư. Chẳng hạn như dự án xăng sinh học, chiến lược ô tô hay nhiều dự án khác nữa.

Ngành thép được ví là xương sống của các ngành công nghiệp. Tuy nhiên chúng ta cần phải nhìn nhận thực tế. Nhu cầu tăng nhưng liệu chúng ta sản xuất ra liệu có khả năng cạnh tranh được hay không? Một bài học nhãn tiền là nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Nhu cầu rất lớn nhưng quan trọng hiệu quả kinh tế đến đâu. Đó mới là vấn đề quan trọng”.

Một vấn đề khác được vị chuyên gia nhắc đến đó là các sản phẩm thép của Việt Nam khi xuất khẩu thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là ở thị trường Mỹ. Đầu tháng 11 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã tuyên bố lên dự kiến tiến hành điều tra chính thức vào ngày 7/11 về nghi vấn thép Việt Nam đột lốt thép Trung Quốc để xuất khẩu sang Mỹ nhằm tránh mức thuế cao.

“Không phải mục tiêu đặt ra là thực hiện dự án đưa ra bằng mọi giá, quan trọng nhất là phải phát huy được hiệu quả. Nguồn lực của chúng ta chỉ có hạn, không phải muốn phát triển thế nào cũng được. Hơn nữa thời gian vừa qua, các đại biểu quốc hội và chuyên gia đều lên tiếng phải đối các dự án thép ven biển, trong đó có thép Cà Ná.

Doanh nghiệp nói rất hay nhưng thực tế thì như thế nào? Việc phát triển thép đòi hỏi công nghệ hiện đại với vốn đầu tư cực kỳ lớn. Liệu Việt Nam có đủ khả năng hơn hay là chúng ta tranh thủ những lợi thế nhập từ Trung Quốc, cái gì cũng vẽ ra. Chẳng lẽ tiền thuế của dân cũng sẽ lại đội nón ra đi”, PGS.TS Long lo lắng.

Đi trái quy luật kinh tế

Cùng đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Việt Nam bày tỏ nghi ngại khi Bộ Công Thương dự kiến tăng dự án thép cũng như sản lượng ngành này trong giai đoạn đến 2025, định hướng đến 2035.

Theo PGS.TS Đoàn, phát triển ngành thép luôn gắn với nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao. Vì vậy thời gian vừa qua, nhiều nước trên thế giới đã dừng đầu tư vào công nghiệp nặng và chuyển hướng, tập trung vào ngành kinh tế xanh, kinh tế tri thức để tạo ra hiệu quả cũng như thế mạnh riêng.

“Nếu nền kinh tế của Việt Nam vào thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đưa ra kế hoạch với khối lượng thép lớn đến như vậy thì chúng ta sẽ đứng hàng đầu thế giới. Nhưng trong điều kiện hiện nay thì đó là biểu hiện chúng ta rất lạc hậu.

Các nước đã bỏ sản xuất thép với nguy cơ ô nhiễm môi trường mà chúng ta tiếp tục đầu tư mạnh. Nhìn theo chiều hướng phát triển thì nước ta đang tụt hậu, đang lạc hậu.

Trước kia Trung Quốc đã từng phát triển mạnh các ngành công nghiệp nặng, trong đó có lĩnh vực thép. Chủ trương này đã biến nền kinh tế Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới. Tuy nhiên hiện nay họ cũng đã đi thụt lùi với các nước. Yêu cầu đặt ra khiến Trung Quốc chuyển các ngành công nghiệp nặng có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Nếu chúng ta đón nhận cái lạc hậu của họ thì tôi cho rằng nền kinh tế Việt Nam chỉ lẽo đẽo đi theo sau các nước khác”, ông Đoàn nhấn mạnh.

Đánh giá về dự thảo quy hoạch ngành thép Việt Nam của Bộ Công Thương, vị chuyên gia khẳng định việc xây dựng kế hoạch với thời gian đến năm 2035 là quá dài, chưa thật sự hợp lý.

Thông thường các quốc gia phát triển, họ thường vạch ra các chương trình ngắn hạn, không ưu tiên những dự án phát triển trong thời gian dài. Bởi lẽ việc này sẽ gắn liền với nhiều rủi ro do các nhà quản lý không thể nhìn nhận hết được những biến động của thị trường thế giới cũng như hoạt động kinh tế trong nước.

Bình luận & chia sẻ
Đang tải bình luận,....