20/04/2017 Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp ngành thép

Theo đánh giá của Hiệp hội và các doanh nghiệp ngành tôn thép, quyết định này đã tạo cơ hội cho sự phát triển của các doanh nghiệp.

 

Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp ngành thép. Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Kể từ ngày 14/4, việc áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ (tôn mạ) nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong) và Hàn Quốc chính thức có hiệu lực. Thời gian áp thuế sẽ được thực hiện đến hết 14/4/2022 và có thể được gia hạn theo quy định của pháp luật.

Mức thuế chống bán phá giá cao nhất áp dụng đối với nhà sản xuất Trung Quốc lên tới 38,34%, đối với nhà sản xuất Hàn Quốc lên tới 19%.

Theo đánh giá của Hiệp hội và các doanh nghiệp ngành tôn thép, quyết định này đã tạo cơ hội cho sự phát triển của các doanh nghiệp.

Theo báo cáo từ Hiệp hội Thép Việt Nam, nhập khẩu của ngành thép trong năm 2016 tăng cao, đặc biệt là với mặt hàng tôn mạ và sơn phủ màu, ước đạt hơn 1,86 triệu tấn, tăng 30,7% so với năm 2015 và chiếm tới trên 50% thị phần nội địa.

Hiệp hội cũng cho biết thêm, cách đây một năm, lượng nhập khẩu tôn mạ cũng tăng hơn 106% và chiếm tới 55,6% thị phần tiêu thụ tại Việt Nam, với mức giá nhập khẩu bình quân giảm mạnh hơn 65%...

Điều này khiến thị phần và giá bán của hàng hóa trong nước giảm, lượng hàng tồn kho tăng..., gây thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong ngành.

Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, quyết định áp thuế này đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ Việt Nam, bảo vệ lợi ích chính đáng và đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Đây là quyết định kịp thời, công bằng, khách quan và chính xác trước thực trạng tôn thép Việt bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sản lượng tôn nhập khẩu gia tăng đột biến với giá bán thấp, chiếm lĩnh thị trường nội địa, gây thiệt hại nặng nề đến các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ trong nước.

Quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với mặt hàng tôn mạ nhập khẩu đã nhận được sự ủng hộ và đồng thuận cao của các nhà sản xuất tôn mạ Việt Nam.

Đại diện doanh nghiệp tôn mạ trong nước - phía nguyên đơn cho rằng, mặc dù chưa có con số cụ thể về tác động của chính sách áp thuế này, nhưng đây là động thái tích cực của Chính phủ nhằm tạo động lực cho các doanh nghiệp trong nước sản xuất và kinh doanh những sản phẩm chất lượng cao, mang đến giá trị tốt nhất cho người tiêu dùng và xã hội.

Quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với những mặt hàng tôn mạ nhập khẩu là kết quả của quá trình điều tra công bằng, phù hợp theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ trong nước.

Với quyết định này, Chính phủ đã tạo đà phát triển cho các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tốt hơn để tập trung sản xuất, áp dụng hiệu quả công nghệ hiện đại, tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Qua đó, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nội địa, mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng quốc tế và giá thành hợp lý. Đây chính là nền tảng để tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm tôn mạ trong nước, góp phần vào sự phát triển của ngành thép Việt Nam.

Theo anh Nguyễn Khắc Khánh, nhà thầu xây dựng các công trình nhà ở, việc áp thuế thương mại có thể sẽ phần nào khiến cho giá cả trên thị trường tôn mạ, các sản phẩm liên quan nhích lên.

Nhưng về cơ bản, người tiêu dùng sẽ được sử dụng những sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất, có chất lượng đảm bảo hơn so với sử dụng hàng trôi nổi, giá rẻ từ phía Trung Quốc được trà trộn vào thị trường.

Năm 2017, ngành thép được đánh giá tiếp tục tăng trưởng, nhưng ngành tôn thép trong nước vẫn còn nhiều khó khăn trong bối cảnh hội nhập và phòng vệ thương mại. Việc áp thuế sẽ giúp giảm lượng tôn mạ nhập khẩu vào Việt Nam và doanh nghiệp phần nào lấy lại thị trường trong nước một cách chính đáng.

Đại diện Hiệp hội Thép cũng cho rằng, ngành thép bị kiện phòng vệ thương mại khá nhiều khi xuất khẩu sang các nước, nhưng điểm lại các vụ kiện thì Việt Nam thực hiện thành công trong nước là rất ít.

Do đó, để có thể phòng vệ một cách chính đáng, phù hợp với thông lệ quốc tế và hội nhập thì bản thân doanh nghiệp ngoài việc nâng cao chất lượng, hạ giá thành, cũng cần phải tự xây dung đội ngũ nhân lực am hiểu về phòng vệ thương mại; đồng thời chuẩn bị các hồ sơ để kiện và chống kiện một cách hiệu quả....

Trước đó, ngày 30/3, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định số 1105/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với sản phẩm thép mạ (còn gọi là tôn mạ) nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong) và Hàn Quốc dưới hình thức áp thuế chống bán phá giá.

Quyết định điều tra được ban hành trên cơ sở đơn yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá với mặt hàng thép mạ nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong) và Hàn Quốc của 4 doanh nghiệp là Công ty cổ phần China Steel Sumikin Việt Nam, Công ty TNHH Tôn Phương Nam, Công ty cổ phần Thép Nam Kim, Công ty cổ phần Tôn Đông Á gửi Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương)./.

Bình luận & chia sẻ
Đang tải bình luận,....