Điều chỉnh quy hoạch thép đến năm 2035: Nhiều điều vô lý 05.12.2016.

Không phải 16 triệu tấn sản phẩm dự kiến như thông tin trước đây mà là 32 triệu tấn sản phẩm (gang, sắt xốp, phôi vuông) thuộc 5 giai đoạn của dự án Khu liên hợp thép Cà Ná (Hoa Sen) đã được Bộ Công Thương đưa vào đề án điều chỉnh Quy hoạch hệ thống sản xuất và phân phối thép đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Thực tế, chưa có bộ ngành nào nhận được bất cứ hồ sơ chính thức nào về dự án này.

Quy hoạch dựa trên tính toán nào?

Theo văn bản ngày 4-11 của Bộ Công Thương, bộ này đã gửi ý kiến đến các bộ, ngành, địa phương… liên quan đến việc đề nghị góp ý về nội dung của dự thảo đề án “Điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất và phân phối thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035”. Đề án này sau khi chỉnh sửa sẽ thay thế quy hoạch hiện hành ra đời 3 năm trước.

Sau khi xem bản dự thảo, nhiều chuyên gia mà TBKTSG Online tham khảo ý kiến đều nhận định, so với Quyết định 694/2013 của Bộ Công Thương về quy hoạch ngành thép cơ bản không có gì thay đổi. Theo dự thảo mới, mục tiêu của ngành là sản xuất gang và sắt xốp, dùng sắt xốp thay thế thép vụn. Đến năm 2020, trong nước sản xuất 8 triệu tấn gang và sắt xốp, đạt 15 triệu tấn (năm 2025) và 30 triệu tấn (năm 2035). Sản xuất phôi thép: 18 triệu tấn (năm 2020), 27 triệu tấn (năm 2025), 52 triệu tấn (năm 2035). Vấn đề là mục tiêu mà bản quy hoạch này hướng tới lại là các sản phẩm mà ngành thép trong nước hiện đã dư thừa, ngoại trừ các sản phẩm thép chất lượng cao (thép hợp kim, thép không gỉ...).

“Phải 15-20 năm nữa mới dùng hết công suất quy hoạch đã phê duyệt từ năm 2013, cho dù một nửa số công suất trong quy hoạch này đang hoặc không còn được đầu tư nữa”, một chuyên gia hàng đầu về ngành thép không muốn nêu tên nói.

Ông chứng minh rằng, con số thống kê năm 2015 cho thấy, sản lượng phôi sản xuất thực tế và tiêu thụ là khoảng 6 triệu tấn, so với công suất thiết kế chỉ đạt 44,8%; sản lượng gang cũng chỉ đạt 63% công suất thiết kế. Tính tổng các loại sản phẩm mà ngành thép Việt Nam sản xuất được trong năm 2015 là 12 triệu tấn, đủ đáp ứng 100% phôi thép và thép xây dựng trong nước. Tuy nhiên, do độ mở của các hiệp định thương mại tự do (FTA) ngày một lớn và thép Trung Quốc giá rẻ tràn về, các doanh nghiệp vẫn nhập khẩu thép, miễn làm sao giá thành đầu vào thấp đi. Việc nhập 1,9 triệu tấn phôi thép năm 2015 là lý do như vậy, chứ không phải vì các doanh nghiệp trong nước sản xuất phôi thép không đủ đáp ứng nhu cầu.

Do đó, nếu chỉ tính toán trên cơ sở năng lực hiện có và mức độ nhập khẩu để lập bản dự thảo quy hoạch thép cho giai đoạn tới, tiếp tục ưu tiên các chủng loại sản phẩm mà ngành thép đang dư thừa là thiếu cơ sở. Thường thì các quốc gia khác khi lập quy hoạch ngành thép là dựa trên tốc độ tăng trưởng GDP và tính toán trên mức độ tăng trưởng của các ngành liên quan, thay vì tính toán trên tốc độ nhập khẩu thép như Bộ Công Thương đưa ra.

Ví dụ: năm 2015, Việt Nam thiếu hụt 9,2 triệu tấn thép tấm cán nóng (dùng cho đóng tàu, cơ khí chế tạo). Con số này đã được nhập về, tính ra bằng hơn 50% tổng lượng thép nhập khẩu cả năm. Tuy nhiên, các dự án đầu tư sản xuất thép cán nóng rất ít, mà các dự án đầu tư sản xuất phôi, gang và thép thành phẩm vẫn nở rộ và được ủng hộ.

Lại là vấn đề của dự án thép Hoa Sen

Tại nghị trường Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói về việc ngành thép vẫn tiếp tục nhập khẩu hàng tỉ đô la mỗi năm nên không có lý do gì để không tiếp tục phát triển cân đối các dự án thép, trong đó có dự án thép của Tập đoàn Hoa Sen tại Cà Ná, dù bị dư luận phản ứng thời gian qua.

Vấn đề là ở chỗ, đến nay dự án thép Cà Ná mới được phê duyệt chủ trương đầu tư của Tỉnh ủy Ninh Thuận, chưa được cấp phép chính thức. Và bản dự thảo Bộ Công Thương gửi đi lấy ý kiến các bộ ngành về quy hoạch đề ngày 4-11 đã có tên dự án của Khu liên hợp thép Hoa Sen, chia làm 5 giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2035, với tổng công suất thiết kế lên đến 32 triệu tấn gang, sắt xốp và phôi vuông đều là các ngành hàng mà ngành thép trong nước đã dư thừa.

Trong khi đó, theo thông tin của TBKTSG Online, tính đến ngày 12-11-2016, các bộ Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ chưa nhận được bất cứ hồ sơ chính thức nào liên quan đến dự án thép Cà Ná của Ninh Thuận, cho dù các bộ này nhận trách nhiệm với Chính phủ “gác cửa” những vấn đề liên quan đến dự án khi tỉnh ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.

Chưa có hồ sơ chính thức về dự án đó, lấy cơ sở nào để đưa 5 giai đoạn của dự án Khu liên hợp thép Hoa Sen vào dự thảo quy hoạch, ghi rõ sản xuất gang, sắt xốp và phôi thép?

Bình luận & chia sẻ
Đang tải bình luận,....