Doanh nghiệp thép với nỗi lo biên lợi nhuận giảm dần 17.12.2016

Giá bán thép tăng sẽ tác động lên kết quả kinh doanh theo 2 chiều hướng bao gồm sản lượng và biên lợi nhuận...

Theo báo cáo thị trường BĐS từ JLL, số lượng dự án xây mới tại khu vực 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2017. Trong đó, nhu cầu nhà mở rộng tại cả 2 thành phố, đẩy mạnh nhu cầu xây dựng dân dụng. Bên cạnh đó, theo Bộ Công thương tính toán rà soát theo quy hoạch đầu tư công, Việt Nam đến năm 2020 có thể thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô. Trong điều kiện đang được bảo hộ bằng thuế tự vệ cho tới năm 2020, ngành thép nội địa được dự báo vẫn còn tiềm năng để có thể giành lại thị phần trong nước.

Bên cạnh đó, chu kỳ đầu tư công quay trở lại khi nội các chính phủ đã ổn định sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với mặt hàng thép. Hiệp hội thép thế giới dự báo, thị trường thép tại các nước thuộc nhóm ASEAN5 (bao gồm Thái Lan, Malaysia, Vietnam, Indonesia, Phillipines) sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 6% trong năm tới bất chấp việc chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc, do nhu cầu đầu tư công, mở rộng hạ tầng cơ sở lớn.

Theo tính toán từ Bộ Công thương dựa trên quy hoạch đầu tư chính phủ những năm tới, cho tới năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép/năm. Tương đương với nhu cầu tăng trưởng kép khoảng 15%-20%/năm đối với thép xây dựng.

Biên lợi nhuận sẽ giảm dần

Giá thép được dự báo tăng trong năm tới, tuy nhiên, hiệu ứng sẽ phân hóa. Theo những tính toán của VPBS, bất chấp việc giá nguyên liệu đầu vào được kỳ vọng giảm, và các doanh nghiệp lò điện chuyển sang nhập phôi thép để sản xuất, mặt bằng giá thép kỳ vọng vẫn cao hơn năm ngoái. Nguyên nhân là do chi phí nguyên liệu trung bình tăng.

"Mặc dù được dự báo giảm so với mức giá hiện tại, mặt bằng giá quặng sắt sau khi điều chỉnh về mức 65 USD/tấn như kỳ vọng của chúng tôi vẫn cao hơn mức giá vốn trung bình của các doanh nghiệp lò cao trong năm 2016 khoảng 15%. Giá than mỡ nhập khẩu duy trì ở mức 175 USD/tấn, cao hơn gần gấp đôi so với mức giá vốn các doanh nghiệp thép trong năm nay"

"Bên cạnh đó, hiện tại các doanh nghiệp trong nước vẫn đang có nguồn nguyên liệu giá rẻ để sản xuất, dẫn tới bất chấp việc giá nguyên liệu tăng mạnh, giá bán thép vẫn hầu như chưa điều chỉnh", VPBS cho biết.

Công ty này cho rằng yếu tố chi phí nguyên liệu tăng sẽ được phản ánh đầy đủ hơn trong năm tới, bởi vậy giá bán thép được dự báo tăng trong khi nguyên liệu có xu hướng giảm. Theo đó chi phí sản xuất ước tính của toàn thị trường nội địa và Trung Quốc cũng tăng đáng kể, khoảng 20% - 25 % yoy. Điểm hòa vốn ước đạt khoảng 9,2 triệu đồng/tấn thép cho các doanh nghiệp lò cao và 10,5 triệu đồng/tấn thép cho các doanh nghiệp lò điện. Theo đó, các doanh nghiệp thép được dự đoán sẽ nâng mức giá bán tối thiểu lên khoảng 10,7 triệu đồng – 11,1 triệu đồng/tấn trong năm tới.

Đánh giá tác động của kết quả kinh doanh, VPBS cho rằng, giá bán thép tăng sẽ tác động lên kết quả kinh doanh theo 2 chiều hướng bao gồm sản lượng và biên lợi nhuận. Về mặt sản lượng, mặt bằng giá thép tăng sẽ dẫn tới nhu cầu đầu cơ của các đại lý cao hơn. Hiện tại, giá bán thép của các doanh nghiệp trong nước đang dao động trong khoảng 9 – 9,5 triệu đồng/tấn do các doanh nghiệp vẫn đang tích trữ được nguồn nguyên liệu giá rẻ.

Tuy nhiên, bước sang năm tới, khi chi phí sản xuất bắt đầu tăng do phải nhập nguyên liệu giá cao, giá bán sẽ được điều chỉnh tăng, tạo ra nhu cầu đầu cơ cho các đại lý, tác động tích cực lên sản lượng bán hàng trong quý IV/2016 và đầu năm 2017.

Về mặt biên lợi nhuận, VPBS cho rằng, các doanh nghiệp lò điện sẽ gặp khó khăn hơn so với các doanh nghiệp lò cao. Cụ thể, các doanh nghiệp lò điện sẽ có xu hướng nhập khẩu phôi thép và phải chịu thuế nhập khẩu 30%, chi phí sản xuất xấp xỉ giá bán kì vọng. Trong khi đó, các doanh nghiệp lò cao sẽ được hưởng lợi nhờ tự sản xuất được nguồn phôi giá rẻ hơn so với hàng nhập khẩu như tính toán.

Theo đó, bức tranh ngành thép được dự báo sẽ biến chuyển theo hướng sản lượng sản xuất tăng trong đầu năm và sau đó hạ nhiệt dần, mặt bằng giá bán tăng theo chi phí sản xuất, và biên lợi nhuận chung của toàn thị trường giảm dần về cuối năm, các doanh nghiệp lò điện gần như hòa vốn, các doanh nghiệp lò cao có biên lợi nhuận ròng ước đạt 10%.

Formosa chưa mang tới rủi ro cạnh tranh trực tiếp

Formosa dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 12/2016. Giai đoạn 1 của Formosa dự kiến sẽ bắt đầu vận hành trong cuối năm nay, sản phẩm của giai đoạn 1 bao gồm nguyên liệu bán thành phẩm bao gồm cuộn cán nóng HRC và phôi thép, tạm thời chưa sản xuất thép xây dựng trong năm 2017.

Formosa có hệ thống lò cao dung tích lớn vượt trội lên tới 4.350 m3, vượt xa dung tích của lò cao lớn nhất Việt Nam hiện nay của HPG chỉ đạt 700m3, và công suất phôi đạt 3 triệu tấn/năm. Nhờ vậy chi phí sản xuất phôi của Formosa sẽ thấp hơn đáng kể so với các doanh nghiệp lò cao nội địa.

Sản phẩm phôi chính của Formosa là phôi dẹt để sản xuất cuộn cán nóng. Ngoài ra Formosa cũng sản xuất phôi thanh để sản xuất thép dài (cạnh tranh với HPG). Tuy vậy, theo đánh giá của VPBS, rủi ro từ việc thép Formosa cạnh tranh tực tiếp với sản phẩm nội địa là chưa hiện hữu. Bên cạnh đó, nếu Formosa bán phôi thép ra thị trường nội địa, các doanh nghiệp lò điện sẽ được hưởng lợi nhờ việc có thêm nguồn phôi giá rẻ không phải chịu thuế nhập khẩu, và nâng cao sức cạnh tranh với doanh nghiệp lò cao.

Bình luận & chia sẻ
Đang tải bình luận,....