Tự tin siêu dự án thép 10 tỷ USD sẽ mang về siêu lợi nhuận nhưng Tôn Hoa Sen không phải không có rủi ro khi vốn có 1 đồng, đã vay 2 và bây giờ còn đòi vay thêm 4 đồng nữa.
Đại hội đồng cổ đông bất thường của công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen diễn ra ngày 6/9 gây bão dư luận khi thông qua Dự án Khu liên hợp luyện thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận với 97% phiếu thuận. Trước đó, dự án đã trở thành đề tài nóng trên mặt báo.
Siêu dự án 10 tỷ USD
Với số vốn đầu tư dự kiến trên 10,6 tỷ USD, dự án Hoa Sen Cà Ná sẽ đạt công suất 16 triệu tấn/năm. Nhưng đây chỉ là kế hoạch đặt ra cho giai đoạn từ 2017-2031. Còn trước mắt, Hoa Sen bắt tay vào triển khai với quy mô nhỏ hơn rất nhiều.
Theo lộ trình Tập đoàn Hoa Sen đưa ra trong tài liệu phục vụ đại hội đồng cổ đông bất thường, dự án Hoa Sen Cà Ná sẽ được chia làm 2 giai đoạn với 4 phân kỳ. Tại đại hội cổ đông lần này, Hoa Sen cũng mới chỉ bàn đến việc triển khai phân kỳ I.1 của dự án, với tổng số vốn cần thiết vào khoảng gần 14.000 tỷ đồng.
Ông Lê Phước Vũ (Chủ tịch HĐQT Hoa Sen) quyết tâm đầu tư dự án thép 10,6 tỷ USD
Trong phân kỳ I.1 của dự án, đầu tư vào máy móc, nhà xưởng sẽ ngốn khoảng 500 triệu USD (hơn 11.000 tỷ đồng). Để vận hành dự án, Hoa Sen còn cần thêm 2.700 tỷ đồng vốn lưu động. Như vậy, trước mắt, Tập đoàn Hoa Sen cần 14.000 tỷ đồng.
Kế hoạch về vốn mà Tập đoàn này đưa ra là vốn tự có sẽ chiếm 18% tổng vốn đầu tư, tương ứng 2.500 tỷ đồng. 11.350 tỷ đồng còn lại sẽ là vốn vay ngắn hạn và trung hạn.
Đánh giá về hiệu quả tài chính của dự án, Hoa Sen đưa ra kịch bản khá lạc quan. Sau khi đi vào hoạt động phân kỳ 1, dự án sẽ mang về doanh thu 14.250 tỷ đồng cho Tập đoàn. Hoa Sen ước tính lợi nhuận sau thuế năm 2020 mà Tập đoàn có được từ dự án là 1.000 tỷ đồng và lợi sẽ tăng dần hàng năm.
Trả lời trên Zing, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen cho rằng việc đầu tư sản thép là siêu lợi nhuận, vì thế không có lý do gì để không đầu tư vào ngành này.
Có 1 đòi vay 4
Dự án Khu liên hợp luyện thép Hoa Sen Cà Ná được đánh giá là “siêu dự án” với số tiền đầu tư rất lớn. Vì vậy, câu hỏi đầu tiên được nhiều người đặt ra khi nói về Hoa Sen Cà Ná chính là Tập đoàn Hoa Sen lấy đâu ra nhiều tiền như vậy để triển khai dự án.
Như đã nêu trên, vốn tự có dùng cho dự án sẽ chiếm 18% tổng vốn đầu tư, tương ứng 2.500 tỷ đồng; còn lại là vốn vay ngắn hạn và trung hạn là 11.350 tỷ đồng. Đây là khoản nợ vay rất lớn với bất cứ doanh nghiệp nào, chứ chưa nói đến doanh nghiệp có tỷ lệ nhiều gấp đôi vốn chủ sở hữu. Khoản nợ vay dự kiến cao gấp 4 lần vốn góp chủ sở hữu hiện nay.
Theo báo cáo tài chính quý 2/2016, tại thời điểm cuối tháng 6, vốn góp chủ sở hữu của Hoa Sen là 1.965 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nợ của ông lớn ngành thép này lên tới 4.639 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với vốn. Điều đó có nghĩa Tập đoàn có 1 đồng vốn nhưng đi vay tới 2,4 đồng.
Trong nhiều năm qua, nhờ hoạt động kinh doanh có lãi nên tổng tài sản của Hoa Sen đạt 9.523 tỷ đồng. Với con số này, Hoa Sen không quá căng thẳng về nợ nhưng rõ ràng áp lực trả lãi vay của Tập đoàn không hề nhỏ.
Trong nửa đầu năm 2016, Hoa Sen đã phải chi trả hơn 144 tỷ đồng tiền lãi vay, bằng 13,7% lợi nhuận sau thuế. Tỷ lệ này cùng kỳ năm 2015 thậm chí còn lớn hơn khi đạt gần 30%.
Không chỉ có khoản nợ khủng, chi phí lãi vay cao, Hoa Sen còn đối mặt với nợ đến hạn trả. Chỉ tiêu này không quá căng thẳng như ở Quốc Cường Gia Lai của gia đình Cường đô la nhưng 298 tỷ đồng tiền nợ phải trả gấp trong khi tiền mặt của công ty cuối kỳ chỉ là 210 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Hoa Sen còn có một vấn đề. Đó là doanh thu sụt giảm. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 2/2016 của Tập đoàn đạt 4.611 tỷ đồng, giảm 228 tỷ đồng, tương ứng 4,71% so với quý 2/2015, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 12.968 tỷ đồng, giảm 579 tỷ đồng, tương ứng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, ngành thép trong nước đã gặp nhiều khó khăn trong những tháng đầu năm 2016. Nguyên nhân là lượng thép nhập khẩu ồ ạt từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc khiến thị trường cạnh tranh gay gắt. Kết quả là tiêu thụ khó khăn, giá bán thấp ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong nước, trong đó có Hoa Sen.
Tuy nhiên, cùng đối mặt với áp lực cạnh tranh như nhau nhưng Tập đoàn Hòa Phát - đối thủ của Hoa Sen vẫn duy trì được tốc độ tăng tưởng tốt. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Hòa Phát trong quý 2/2016 đạt 8.144 tỷ đồng, tăng 406 tỷ đồng, tương ứng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái.