Buộc hai nhà máy thép tạm ngừng sản xuất 17.12.2016

Khi chưa có nhà máy, một năm thì chỉ có vài ba người chết do tuổi già nhưng năm 2015 có đến 12 người chết, trong đó có 7 người bị ung thư.

Chiều 15-12, ông Hồ Kỳ Minh (Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) đã phải có cuộc đối thoại “nóng” với người dân thôn Vân Dương 1 và 2 (xã Hoà Liên, huyện Hoà Vang).

Hai ngày qua, người dân nơi đây đã bao vây phản đối việc sản xuất của hai nhà máy thép Công ty cổ phần thép Dana-Ý và Dana-Úc.

Tại buổi đối thoại, đại diện các hộ dân bày tỏ thái độ hết sức bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường do 2 nhà máy thép gây ra trong quá trình sản xuất.

 

Người dân yêu cầu hai nhà máy thép phải dừng sản xuất và chuyển đi. Ảnh: HOA LÊ.

Ông Mai Liễu (thôn Vân Dương 1) bức xúc: hai nhà máy thép này đi vào sản xuất từ năm 2007 từ đó đã gây nên ô nhiễm trầm trọng. Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi, mùi hôi, nước thải…khiến người dân không thể chịu đựng thêm được nữa.

Ông Phạm Mai (thôn Vân Dương 2) cho biết, theo quy định, việc cấp phép cho các nhà máy công nghiệp nặng như thế này phải cách xa khu dân cư tối thiểu là 1000m nhưng thực tế hai nhà máy này lại nằm sát nạch nhà dân.

Đặc biệt, theo ông Mai Sơn Thọ (Trưởng ban công tác mặt trận thôn Vân Dương 2), từ khi có 2 nhà máy sản xuất tại đây, số người bệnh và chết trong thôn ngày càng tăng, trong số người chết thì phần nhiều là do ung thư.

“Khi chưa có nhà máy, một năm thì chỉ có vài ba người chết do tuổi già nhưng năm 2015 có đến 12 người chết, trong đó có 7 người bị ung thư. Các bệnh khác về phổi, hô hấp, bệnh ngoài da ngày càng phổ biến, nhất là trẻ em”, ông Thọ bức xúc.

Cũng theo ông Thọ, gần đây, khu vực phía trước nhà máy đã cho đổ xỉ than, chất thải gây ngấm vào nguồn nước và do thời tiết mưa ẩm, không khí lại càng ô nhiễm khói bụi gây khó thở.

Một số người dân cũng cho rằng, TP Đà Nẵng cần lập đoàn chức năng tổ chức kiểm tra sức khoẻ cho người dân khu vực nhà máy thép. Thậm chí, phải cấp phát thẻ bảo hiểm y tế để người dân đang sống trong ô nhiễm có thể đi khám, kiểm tra sức khoẻ của mình.

Trước sự bức xúc của người dân, ông Huỳnh Văn Tân (Chủ tịch HĐQT Công ty thép DaNa-Ý cho hay, ông cảm thấy có lỗi với bà con khu vực 2 thôn nơi nhà máy sản xuất.

Ông Tân phân trần, công ty chỉ sản xuất thép từ phế liệu chứ không phải quặng nên không có chất Xyanua gây tác hại môi trường nước. Đồng thời đã đầu tư công nghệ thiết bị hút bụi khí, giảm tiếng ồn.

 

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu tạm dừng hai
nhà máy thép vì gây ô nhiễm. Ảnh: HOA LÊ.

“Sau khi lắng nghe ý kiến của bà con, sẽ nghiên cứu để đầu tư thêm về công nghệ thiết bị giảm thiểu ô nhiễm cho khu vực”, ông Tân nói.

Trước các bức xúc của người dân, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã yêu cầu hai Công ty thép Dana-Ý và Dana-Úc phải khẩn trương đầu tư công nghệ, thiết bị để bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, trình các cơ quan liên quan thẩm định.

“Trong thời gian chờ đầu tư nâng cấp, kiểm tra, kết luận của các cơ quan chức năng, tạm thời hai nhà máy này phải ngừng sản xuất”, ông Minh yêu cầu.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng chỉ đạo UBND huyện Hòa Vang đứng ra cho thu dọn, vận chuyển ngay đến khu xử lý. Đồng thời, yêu cầu Cảnh sát môi trường vào cuộc điều tra, đơn vị nào chôn lấp số xỉ sắt này thì phải thanh toán lại tiền cho nhà nước.

Ông Minh cũng đề nghị, Sở Xây dựng nghiên cứu đề xuất phương án di dời hai nhà máy trên.

“Sở TN&MT nghiên cứu phương án di dời người dân khỏi vùng ô nhiễm, cuối quý I năm 2017 phải hoàn thành, báo cáo UBND TP để trình Thành uỷ, HĐND TP quyết định”, ông Minh yêu cầu và cho biết, sẽ tìm một đơn vị độc lập để thẩm định công nghệ quan trắc, đánh giá môi trường tại hai nhà máy trên.

Bình luận & chia sẻ
Đang tải bình luận,....