Theo số liệu từ Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), trong năm 2016, kim ngạch sắt thép nhập khẩu vào nước ta ước tính đạt 8.024 triệu USD, tăng 7,3% so với năm 2015 (tương ứng tăng 546 triệu USD).
Như vậy, kim ngạch sắt thép nhập khẩu năm 2016 vẫn tăng so với năm 2015 do lượng nhập khẩu tăng; diễn biến giá sắt thép nhập khẩu chủ yếu theo chiều tăng. Do lượng sắt thép nhập khẩu tăng làm cho tổng kim ngạch nhập khẩu cả năm tăng 25,93% (tương ứng 1.939 triệu USD).
Ảnh minh họa.
Các thị trường cung cấp sắt thép chính cho Việt Nam trong năm 2016 là: Trung Quốc chiếm 55,1%, Nhật Bản chiếm 14,6%, Hàn Quốc chiếm 12,8% và Đài Loan chiếm 8,9% tổng kim ngạch nhập khẩu cả năm.
Trên thực thế thì các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước có khả năng đáp ứng tới một nửa nhu cầu của thị trường, song sắt thép trong nước vẫn liên tục phải cạnh tranh về giá với các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc ồ ạt tràn vào Việt Nam khiến các nhà sản xuất trong nước loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm.
Do vậy, nhằm ngăn chặn khối lượng phôi thép, thép dài nhập khẩu tăng mạnh trong thời gian gần đây, Bộ Công Thương đã ban hành liên tiếp các biện pháp tự vệ tạm thời để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước trước sự “xâm lấn” của các sản phẩm sắt thép nhập khẩu.
Cụ thể như áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam với mức thuế tự vệ lần lượt là 15,4% đối với thép dài và 23,3% đối với phôi thép. Sau các biện pháp tự vệ tạm thời, Bộ Công Thương đã áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với hai mặt hàng này. Theo đó, thuế suất nhập khẩu đối với phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam sẽ là 21,3% trong vòng 1 năm, từ ngày 22/3/2017 đến 21/3/2018. Thuế suất này sẽ lần lượt giảm về 19,3% và 17,3% vào các năm tiếp theo và từ 22/3/2020 trở đi, thuế suất sẽ về 0%.