08/05/2017 Thận trọng 'đón' vốn đầu tư nước ngoài vào ngành thép

Ngành thép Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh ở cả thị trường trong nước và trị trường xuất khẩu thì nhiều nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc, đang tìm mua lại các nhà máy sản xuất thép thua lỗ tại Việt Nam.

Trước diễn biến này, ông Hồ Nghĩa Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam - đã có những cảnh báo sớm rất đáng quan tâm.


Cần thận trọng trong thu hút đầu tư vào ngành thép

Ngành thép Việt Nam mới đạt 67% năng lực sản xuất vì áp lực nhập khẩu

Theo ông Hồ Nghĩa Dũng trong các năm 2015 và 2016, ngành thép Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng khá cao tới trên 20%/năm, tuy nhiên, ngành thép mới chỉ hoạt động đạt khoảng 67% năng lực sản xuất hiện có.

Cụ thể trong năm 2016, sản xuất phôi thép đạt 7,8 triệu tấn, tương đương 62% công suất thiết kế toàn ngành là 12 triệu tấn; sản phẩm cuối cùng của tất cả các loại thép đạt 17,7 triệu tấn, bằng 67% công suất thiết kế là 26,4 triệu tấn; hay thép xây dựng, sản xuất được 8,6 triệu tấn, bằng 67,7% công suất thiết kế là 12,7 triệu tấn...

Tuy nhiên, theo ông Dũng, tình hình hoạt động của ngành thép Việt Nam trong quý I/2017 có dấu hiệu chững lại. Cụ thể, 3 tháng qua, cả nước sản xuất được trên 4,637 triệu tấn, tăng 18,8% so với cùng kỳ và tiêu thụ thép đạt trên 3,761 triệu tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2016.

"Mặc dù có bước tăng trưởng trong quý I/2017, song tăng trưởng tiêu thụ thép chỉ đạt 6,7% trong khi ngành thép đặt kỳ vọng tăng trưởng chỉ tiêu này là 12% cho năm nay" - ông Dũng nói và cho biết, cùng với sự phục hồi trở lại của ngành xây dựng và thị trường bất động sản, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước đã tăng lên, tuy nhiên, lý do ngành thép chỉ vận hành đạt 67% công suất hiện có là do áp lực cạnh tranh từ sản phẩm cùng loại nhập khẩu vào nước ta.

Theo đó, tính đến ngày 15/3/2017, lượng thép thành phẩm nhập khẩu vào Việt Nam đã đạt 3,56 triệu tấn với kim ngạch đạt 2,2 tỷ USD, tăng 13% về lượng nhưng lại tăng tới 64% về giá trị kim ngạch nhập khẩu so với cùng kỳ. Trong đó, nhập khẩu sản phẩm tôn thép mạ mầu đạt 84.748 tấn, tăng 40%; thép thanh que hình đạt 141.009 tấn, tăng 113%; thép cán nguội là 159.381 tấn, tăng tới 158%... Ngoài ra, nhập khẩu ống thép hàn, dây thép, thép mạ loại khác, thép không gỉ... cũng tăng rất cao.

"Nếu giảm lượng nhập khẩu thì mới hy vọng tăng năng lực sản xuất của ngành thép trong nước" - ông Dũng nói.

Cảnh báo sớm các nhà đầu tư

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện nay nhiều doanh nghiệp thép nội địa đang có kế hoạch đầu tư mở rộng, đặc biệt, nhiều doanh nghiệp nước ngoài, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp Trung Quốc cũng có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thép tại Việt Nam.

Qua phân tích năng lực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và nhu cầu thép trong nước, ông Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, việc các doanh nghiệp (cả trong và ngoài nước) đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất là cần thiết, tuy nhiên, ông Dũng cũng cảnh báo, chỉ nên đầu tư sản xuất những dòng sản phẩm mà Việt Nam chưa sản xuất được, như: phôi thép hoặc sản phẩm thép dẹt cán nóng... để hình thành dây chuyền sản xuất khép kín. Còn với các sản phẩm cuối, như: tôn mạ, thép xây dựng,... thì các doanh nghiệp cần hết sức thận trọng trước khi đầu tư.

Trước thông tin một số doanh nghiệp của Trung Quốc đang có ý định đầu tư xây dựng nhà máy thép không gỉ công suất lên tới 300 nghìn tấn/năm tại Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, ông Hồ Nghĩa Dũng cho biết, theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện nhu cầu thép không gỉ của Việt Nam là khoảng 200 nghìn tấn/năm trong khi năng lực hiện có của các doanh nghiệp tại Việt Nam đã lên đến trên 300 nghìn tấn/năm nhưng hiện mới chỉ khai thác được từ 35-70% công suất thiết kế. Ngoài ra, hàng năm, nước ta nhập khẩu trung bình khoảng 60 nghìn tấn thép không gỉ.

"Như vậy, nếu có thêm nhà máy thép không gỉ công suất 300 nghìn tấn/năm thì sản lượng đầu ra sẽ lên đến trên 600 nghìn tấn /năm, gấp 3 lần nhu cầu" - ông Dũng phân tích và cảnh báo, sẽ tạo ra thế cạnh tranh không cần thiết cho thị trường thép Việt Nam.

Ông Hồ Nghĩa Dũng cũng cho biết, Hiệp hội Thép Việt Nam đã nhiều lần có ý kiến góp ý vào Quy hoạch ngành thép Việt Nam, trong đó khẳng định, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã hỗ trợ rất nhiều cho ngành thép Việt Nam trong thời gian đầu để tăng năng lực sản xuất, tiếp cận công nghệ mới; hiện đại hóa công tác quản trị kinh doanh, thị trường...

Tuy nhiên trong 15 năm trở lại đây, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân trong nước đã phát triển rất mạnh và đến nay, họ hoàn toàn có đủ khả năng đầu tư ở mọi quy mô và công nghệ và hoạt động có hiệu quả trong ngành thép.

"Thời điểm này, không nên ưu tiêu thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp FDI vào ngành thép mà nên ưu tiên cho các nhà sản xuất trong nước" - ông Dũng nêu quan điểm. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, nếu vẫn thu hút đầu tư FDI vào ngành thép thì không nên đầu tư 100% vốn nước ngoài mà phải liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong nước.

Nêu lý do cho quan điểm này, ông Dũng phân tích, thứ nhất, các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn có khả năng đầu tư; thứ hai, thép là đầu vào quan trọng của nhiều ngành công nghiệp, xây dựng, nên chúng ta phải giữ được vai trò chủ đạo, tự chủ đối với ngành này.

"Nếu không làm được điều đó thì ngành thép Việt Nam sẽ chỉ là ngành gia công sản phẩm cho các đối tác nước ngoài" - ông Dũng nhấn mạnh và cảnh báo, không ngoại trừ khả năng việc một số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhà máy để sản xuất ở thép Việt Nam với hai mục tiêu đó là tránh thuế chống bán phá giá của Việt Nam, đồng thời tránh thuế chống bán phá giá khi xuất sang thị trường Mỹ và một số thị trường khác.

"Luôn tiềm ẩn khả năng các quốc gia khác mượn thị trường Việt Nam để tiêu thụ sản phẩm của họ sang các nước khác, vì vậy, cảnh báo này là không thừa" - ông Hồ Nghĩa Dũng kết luận.

Lưu ý UBND tỉnh Đồng Nai trong việc thu hút đầu tư các dự án thép không gỉ tại địa phương này trong giai đoạn đến năm 2020, ngày 19/4/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản số 3244/BKHĐT-KTCN nêu rõ: Với những phân tích như trên thì việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực thép không gỉ cán nguội sẽ tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp, giảm hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ở trong nước và xuất khẩu.

Bình luận & chia sẻ
Đang tải bình luận,....
Đọc thêm
MV CHANG LONG TO BEN NGHE MAY 5
HRC TAIWAN

Trong gần bốn tháng qua, giá mặt hàng thép 14 lần liên tục “lao dốc” với tổng mức giảm từ 4 triệu đồng đến 5,5 triệu đồng/tấn tùy từng thương hiệu, chủng loại. Ðiều này khiến thị trường xây dựng giảm bớt áp lực, song lại khiến nhiều doanh nghiệp ngành thép có nguy cơ rơi vào thua lỗ trong sản xuất, kinh doanh.

Các doanh nghiệp thép đều đang đặt kỳ vọng cuối năm 2022 giá thép sẽ phục hồi khi các dự án xây dựng tăng tốc. Song với lượng hàng tồn kho còn khá lớn, nhất là những tháng cuối năm có thể chịu tác động xấu do nhu cầu sụt giảm, bảo hộ thương mại gia tăng, cùng với thời tiết vào mùa mưa,… là những yếu tố bất lợi, cản đà phục hồi của ngành thép.

Giá thép giảm 14 lần liên tiếp

Ðến giữa tháng 8 vừa qua, đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất thép trong nước thông báo giảm giá lần thứ 14 liên tiếp trong gần bốn tháng. Theo đó, tại khu vực miền bắc, giá thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 thương hiệu Hòa Phát giảm khoảng 300 nghìn đồng/tấn, với giá lần lượt còn 14,8 triệu đồng/tấn và 15,7 triệu đồng/tấn. Còn với thương hiệu Việt Nhật, mức giảm từ 200 nghìn đồng đến 310 nghìn đồng/ tấn, sau điều chỉnh giá hai loại thép này lần lượt còn 14,7 triệu đồng/tấn và 15,3 triệu đồng/tấn.

Riêng tại khu vực miền trung, thép Pomina có mức giảm mạnh nhất với giá thép cuộn CB240 giảm tới 1,31 triệu đồng/tấn, xuống còn 14,98 triệu đồng/tấn, thép thanh vằn D10 CB300 giảm 310 nghìn đồng/tấn, xuống còn 16,39 triệu đồng/tấn.

Sau bốn tháng đầu năm tăng nóng, bảy lần điều chỉnh tăng giá bán, đã có lúc giá thép chạm ngưỡng 21 triệu đồng/tấn, nay giá thép trong nước lại đảo ngược bất ngờ, về mức thấp hơn thời điểm đầu năm. Theo chia sẻ của Giám đốc Công ty Xây dựng Thành Thắng, Lê Ðình Thắng, sau thời gian dài tăng nhanh, việc giá thép giảm mạnh giúp cho các dự án thi công nhận thầu từ đầu năm đến nay có phần dễ thở đối với công trình có trị giá lớn do không còn phải bù lỗ với các hợp đồng đơn giá cố định.

Suốt thời gian dài vừa qua, biên lợi nhuận của doanh nghiệp luôn phải chịu nhiều áp lực do chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao kèm theo thị trường bất động sản trầm lắng, đầu tư công chưa đạt kỳ vọng. Khi giá thép “hạ nhiệt” sẽ làm giảm bớt gánh nặng cho nhiều doanh nghiệp xây dựng bởi thép thường chiếm khoảng 20%-30% chi phí mỗi công trình.

Tuy nhiên, việc giá thép liên tục “dò” đáy có thể khiến cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép trong năm 2022 sẽ không đạt như kỳ vọng. Ðơn cử như Tập đoàn Hòa Phát, nửa đầu năm 2022 ghi nhận doanh thu 82.118 tỷ đồng và 12.229 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng giảm 27% so với cùng kỳ năm 2021, hoàn thành 46% kế hoạch năm.

Trên cơ sở đó, Hòa Phát dự kiến lợi nhuận cả năm 2022 chỉ đạt mức 25 nghìn tỷ đến 30 nghìn tỷ đồng, thấp hơn mức lợi nhuận 34.521 tỷ đồng của năm 2021. Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) cũng vừa thông báo, lãi quý II/2022 giảm 90% so cùng kỳ năm 2021, xuống còn gần sáu tỷ đồng. Tương tự, Công ty cổ phần Thép Thủ Ðức, báo cáo doanh thu quý II/2022 với lợi nhuận sau thuế âm gần hai tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 lãi 34 tỷ đồng.

Kỳ vọng những tháng cuối năm

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nửa đầu năm 2022, phần lớn các nhà máy đều trong tình trạng khó khăn do lượng hàng tồn kho cao với mức 1,42 triệu tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2021. Mức độ cạnh tranh giữa các nhà máy ngày càng khốc liệt về giá bán và xâm lấn thị phần của nhau.

Ðể tháo gỡ khó khăn, nhiều nhà máy thép đã buộc phải cắt giảm sản xuất từ 3 ca/ngày xuống còn 2 ca/ngày, thậm chí có những giai đoạn phải dừng sản xuất. Chủ tịch VSA Nghiêm Xuân Ða dự báo, thép xây dựng từ tháng 7 đến tháng 9 sẽ kém sôi động do thời tiết bước vào mùa mưa, đây cũng là một trong những yếu tố tạo nên tính chu kỳ cho ngành thép khiến nhiều công trình xây dựng ảnh hưởng tiến độ. Giá thép xây dựng trong nước sẽ tiếp tục giảm, trong khi lợi nhuận mảng xuất khẩu mặt hàng này không còn tốt như trước. Gần đây, EU đang ngày càng siết chặt các chính sách bảo hộ thương mại đối với sản phẩm thép của Việt Nam, giảm hạn ngạch nhập khẩu.

Với điều chỉnh này, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam sang thị trường EU có thể sẽ giảm trong thời gian tới. Trong khi đó, những yếu tố khiến triển vọng thị trường thép nửa cuối năm chưa khả quan khi tốc độ giải ngân đầu tư công chậm, ngân hàng siết tín dụng bất động sản, mùa cao điểm xây dựng đã qua,… khiến các doanh nghiệp thép “bí” đầu ra.

Ngành thép Việt Nam đang phải đối mặt với sức ép cả về phía cung và cầu khi giá nguyên vật liệu tăng, trong khi nhu cầu bị thu hẹp. Dự báo trong năm 2022, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế khoảng 6 triệu-6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite 10 nghìn tấn. Nhưng khả năng giá quặng sắt, thép phế, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc,… vẫn duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép trong nước.

Bộ Công thương đã có những biện pháp bảo đảm cung cầu và bình ổn giá, theo dõi và xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất thép. Ngành Công thương đã tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời hiện tượng đầu cơ tăng giá, thao túng giá thép trên thị trường, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng,…

Thời gian qua, các dự án đầu tư triển khai có phần chậm, kéo theo lượng thép tiêu thụ giảm khiến các doanh nghiệp thép buộc phải giảm công suất sản xuất, trong khi thép tồn kho từ trước còn khá lớn, cho nên khi giá giảm mạnh như hiện nay sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh. Doanh nghiệp nào tồn kho nhiều sẽ phải chịu cảnh “đầu vào cao, đầu ra thấp”, khiến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.

Các chuyên gia dự báo từ nay đến cuối năm sẽ còn nhiều khó khăn đối với ngành thép, song với những kinh nghiệm tích lũy được trong việc ứng phó trên thị trường nhiều năm qua, vẫn có nhiều tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam có các giải pháp sáng tạo vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh. Dịp cuối năm, nhất là trong quý IV, việc xây dựng công trình nhà ở, bất động sản tăng trưởng trở lại sẽ khiến lượng tiêu thụ các sản phẩm thép trong năm 2022 có thể tăng trưởng quanh mức 7%-10%.