19/05/2017 Hãy để thép Việt tự "bơi"

Dù nhận được rất nhiều ưu đãi trong nhiều thập niên qua nhưng Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) với mũi nhọn là Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) vẫn không trở thành trụ cột như kỳ vọng.

TISCO cùng Công ty TNHH khoáng sản và luyện kim Việt Trung (VTM) – liên doanh giữa VNSTEEL và đối tác Trung Quốc – là 2 đại diện của ngành thép nằm trong danh sách 12 dự án thua lỗ ngàn tỷ mà Bộ Công thương đang xử lý.

Những con số biết nói

Khu Liên hiệp Gang thép Thái Nguyên (tiền thân của TISCO) được Trung Quốc xây dựng năm 1959 với dây chuyền khép kín từ khai thác quặng, luyện gang, luyện thép, cán thép. TISCO được Chính phủ rót 170 triệu USD là vốn ODA vay từ Trung Quốc để mở rộng nhà máy giai đoạn 1, nhưng TISCO không tạo ra đột phá đáng kể.

Dự án mở rộng giai đoạn 2 của TISCO khởi công tháng 9/2007 với tổng đầu tư 3.843 tỷ đồng rồi tăng lên 8.104 tỷ đồng vào tháng 8/2012. Nhà thầu chính là Tập đoàn Xây lắp Luyện kim Trung Quốc (MCC).

Tháng 9/2014, thủ tướng tiếp tục chấp thuận cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước (SCIC) đầu tư 1.000 tỷ đồng vào TISCO để tiếp tục triển khai dự án. Tuy nhiên, chiến dịch giải cứu TISCO bất thành.

Sau 2 năm đi vào vận hành, VTM đầu năm 2017 thông báo lỗ 1.000 tỷ đồng. Cũng như TISCO, VTM sử dụng công nghệ lò cao, luyện thép từ quặng sắt khác với công nghệ lò hồ quang luyện thép từ phế liệu. Liên doanh khai thác nguyên liệu quặng sắt từ mỏ Quý Xa (Lào Cai) có trữ lượng 120 triệu tấn, chỉ xếp sau mỏ Thạch Kim, Hà Tĩnh (500 triệu tấn).

Báo cáo của Công ty Chứng khoán Bản Việt liên quan đến tình hình sản xuất thép cho thấy quặng sắt chiếm tỷ phần lớn nhất trong cơ cấu chi phí theo công nghệ lò cao (35%). Vậy nên biến động giá của đầu vào này tác động đáng kể đến năng lực cạnh tranh. Chu kỳ tăng giá mới của quặng sắt thế giới bắt đầu từ tháng 4/2007 (38,4 USD/tấn) và đạt đỉnh vào ngày 19/1/2011 (185 USD/tấn) với loại quặng có hàm lượng 62% sắt.

Ngày 9/1/2012, thủ tướng ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg, đưa quặng sắt vào danh mục dừng xuất khẩu, “tổ chức khai thác có hiệu quả dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê và các dự án khai thác quặng sắt khác để phục vụ cho các cơ sở sản xuất gang, thép trong nước…”.

Dù hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản có nhiều bất cập là cơ sở quan trọng cho sự ra đời của Chỉ thị 02 nhưng trong bối cảnh giá quặng còn cao, một trong những đối tượng hưởng lợi chính sách nhiều nhất là doanh nghiệp sản xuất thép theo công nghệ lò cao.

Năm 2014, thị trường phân hóa rõ rệt khi phần lớn lợi nhuận đổ vào Tập đoàn Hòa Phát trong khi đa số doanh nghiệp cùng ngành vật lộn với bài toán hòa vốn. Hoạt động kinh doanh của Hòa Phát tiếp tục khả quan trong năm 2015, đưa doanh nghiệp tư nhân này chiếm lĩnh thị phần hàng đầu tại thị trường nội địa.

Đối tượng thứ 2 là doanh nghiệp… Trung Quốc. Sau một năm Chỉ thị 02 có hiệu lực, cả giá và lượng xuất khẩu ghi nhận bởi hải quan Việt Nam và Trung Quốc đều có độ vênh khá lớn. Nguyên nhân là quặng sắt vượt biên bằng đường tiểu ngạch.

Quẩn quanh trong ổ

Bất động sản ngày càng được bơm căng mang lại niềm vui cho ngành thép trong năm 2016. Sản lượng sản xuất đạt 17,5 triệu tấn (tăng 16,8% so với cùng kỳ), trong đó thép xây dựng chiếm 8,5 triệu tấn (tăng 18,3%). Đằng sau những chỉ báo tích cực này chính là quy mô thị trường, rất khiêm tốn so với phần còn lại của thế giới.

Cũng trong năm 2016, ngành thép nhập siêu 6,7 tỷ USD, theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA). Mặc dù sản phẩm thép của Việt Nam đã vươn tới một số thị trường khó tính như Hoa Kỳ nhưng nếu nhìn vào sản lượng và giá trị, thị trường xuất khẩu chủ lực vẫn là một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Lào và Campuchia.

Một thực tế không thể chối bỏ là ngành thép chưa đủ khả năng sản xuất hoặc năng lực đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, gồm thép hợp kim, thép hình, thép tấm, thép không gỉ, thép chế tạo… Cung ứng mất cân đối chỉ hé lộ phần nào diện mạo năng lực cạnh tranh của thép Việt.

Thép là một ngành có lợi thế kinh tế theo quy mô. Dung tích lò càng lớn, càng tiết kiệm chi phí. Ngoài Hòa Phát, còn khoảng 10 doanh nghiệp khác cũng sử dụng công nghệ lò cao nhưng không hiệu quả. Điểm chung là dung tích lò từ nhỏ đến rất nhỏ, công nghệ lạc hậu.

Tính đến năm 2013, Nhật sở hữu 13/27 lò cao dung tích trên 5.000 khối. Gần hơn là Trung Quốc với 43 lò công suất từ 1.000 đến 4.350 khối chưa kể gần 4.000 lò công suất nhỏ. Đáng lưu tâm, Trung Quốc là nhà xuất khẩu công nghệ lò cao lớn nhất vào Việt Nam. Ngành thép sẽ đương đầu như thế nào khi nhập khẩu công nghệ từ chính đối thủ?

Trung Quốc còn là nhà sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất hiện nay, chiếm khoảng phân nửa thị phần toàn cầu (1,6 tỷ tấn thép năm 2016). Thế nên, chỉ cần thị trường này “hắt hơi sổ mũi”, ngành thép thế giới lao đao, huống chi là những quốc gia có đường biên giới với Trung Quốc.

Năm 2015, Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nhập khẩu thép, nhiều nhất là từ Trung Quốc. Thậm chí doanh nghiệp vẫn tiếp tục nhập phôi thép và thép dài dù Bộ Công thương áp dụng thuế tự vệ tạm thời lần lượt ở mức 23,3% và 14,2%. Đây là bằng chứng cho thấy những nhà nhập khẩu vẫn có lời, đồng thời khuyến cáo nghiêm túc với những nhà hoạch định chính sách. Vai trò của Trung Quốc là một trọng số trong bài toán chiến lược ngành thép.

Ngày 24/4/2017, Asia Times đưa tin Trung Quốc quyết định rút giấy phép 29 nhà máy thép vì mở rộng sản xuất hoặc không tuân thủ quy định về công suất và kiểm soát ô nhiễm trong một thời gian dài. Bên cạnh đó là danh sách 40 công ty buộc phải thay đổi hoạt động liên quan đến môi trường và an toàn lao động.

Nước này vẫn đang nỗ lực giảm từ 100 triệu đến 150 triệu tấn thép dư thừa trong giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời loại bỏ 100 triệu tấn thép xây dựng chất lượng thấp vào cuối tháng 6/2017.

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc cắt giảm sản lượng. Năm 2015, lãnh đạo Hiệp hội Quặng – Thép Trung Quốc xác nhận tình trạng dư thừa công suất không giảm dù chính quyền đã ban hành 20 văn bản chính sách từ năm 2010. Đẩy mạnh xuất khẩu là giải pháp song hành để nước này giải quyết lượng hàng tồn kho.

Nguồn lực hữu hạn cần được phân bổ vào những ngành Việt Nam có tiềm năng cạnh tranh quốc tế tốt nhất. Sau nhiều thập niên, (những) con cưng của Nhà nước vẫn chưa trưởng thành. Sự trỗi dậy của khu vực tư nhân tại thị trường nội địa dù rất đáng ghi nhận nhưng năng lực cạnh tranh quốc tế vẫn là một dấu hỏi. Câu trả lời có thể dễ dàng tìm thấy bằng cách chấm dứt mọi hình thức hỗ trợ chính thức và phi chính thức, để ngành thép tự thân xoay xở với thị trường.

Quan điểm sản xuất từ A đến Z không phải là mô thức thành công đối với mọi ngành. Khép kín chuỗi giá trị sản xuất không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với gia tăng giá trị. Sở hữu tài nguyên chưa chắc đã là lợi thế.

Úc không phát triển ngành thép dù là quốc gia có trữ lượng quặng sắt lớn nhất thế giới. Ngược lại, Hàn Quốc không có quặng sắt nhưng lại xây dựng thành công cụm ngành thép với thương hiệu POSCO. Một trong những yếu tố quan trọng mang lại thành công cho POSCO là doanh nghiệp định hướng cạnh tranh quốc tế xuyên suốt từ thuở khởi nguyên.

Bình luận & chia sẻ
Đang tải bình luận,....