Sau những tháng cao điểm thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) tăng giá, lên xuống theo nhu cầu xây dựng của người dân, đến thời điểm hiện tại cuối tháng 5, nhu cầu về các loại VLXD (xi măng, sắt, thép, gạch, cát, sỏi, gạch...) vẫn còn khá lớn, tuy nhiên giá cả của những loại vật liệu này lại không biến động, thất thường như những tháng đầu năm.
Theo khảo sát của phóng viên, nhu cầu xây dựng, các loại VLXD thời điểm hiện tại là rất lớn. Đặc biệt, tại các TP lớn đang có tốc độ đô thị hóa nhanh như Hà Nội, TP.HCM... thì nguồn cầu về các loại VLXD phục vụ cho các công trình xây dựng lúc nào cũng ở mức cao.
Khảo sát về giá các loại VLXD thời điểm hiện tại, chủ một đại lý kinh doanh VLXD đóng trên địa bàn Q.Hà Đông tên Hương cho biết, tính từ đầu năm đến nay thì giá các loại VLXD có vẻ chững lại và ổn định hơn so với cách đây hai tháng. Nhiều mặt hàng đã không còn “nóng” như trước. Minh chứng cho điều này, chị Hương dẫn chứng, hiện tại giá xi măng dao động ở mức 80.000 đ/bao; gạch xây dựng (gạch đặc, lỗ) giá 1.500 đ/viên; cát đen 150 nghìn đ/khối, cát vàng 250 nghìn đ/khối...
Mức giá bán ra được tính dựa trên chi phí vận chuyển của từng khu vực. Nội thành ngõ hẹp, giá sẽ đắt hơn so với những khu vực ngoại thành, ngõ rộng thuận tiện để các đại lý vận chuyển vật liệu.
Để nắm rõ và hiểu hơn về giá cả, nhu cầu của thị trường các loại VLXD, anh Hoàng Đạt - Giám đốc kinh doanh một DN sản xuất VLXD có văn phòng ở Q.Hai Bà Trưng cho biết, thị trường hiện có rất nhiều loại gạch khác nhau. Chủ yếu người dân, các DN sử dụng các loại (gạch đặc, gạch lỗ) để xây dựng. Giá của các loại này được bán tại nhà máy ở mức như sau: Gạch đặc 1.100 đ/viên; gạch lỗ 1.000 đ/viên; gạch đặc đốt bằng lò vòng Hoffman giá khoảng 1.200 đ/viên; gạch 6 lỗ 2.300 đ/viên. Cũng theo anh Hoàng Đạt, giá gạch đến tay người tiêu dùng thường cộng thêm chi phí vận chuyển, bốc xếp.
Theo đánh giá và nhận định của anh Hoàng Đạt thì hiện tại nhu cầu về gạch cũng như các loại VLXD còn cao. Tuy nhiên, so với những tháng cao điểm đầu năm nhiều nơi khan hàng không có vật liệu để bán cho người dân, hoặc giá bị đội lên cao thì thời điểm hiện tại, giá gạch đã giảm khoảng 20%.
Riêng với các loại sắt, thép xây dựng nhu cầu và giá cả từ đầu năm đến nay có nhiều biến động, có thời điểm, giá sắt bị đẩy lên cao bởi nhiều DN đầu cơ. Nhất là ở thời điểm ngày 7/3/2016, Bộ Công Thương công bố quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời 23,3% đối với sản phẩm phôi thép và 14,2% đối với thép dài nhập khẩu vào Việt Nam cũng khiến cho một số DN nắm bắt cơ hội đầu cơ, đầu tư vào thép, khiến sản lượng tiêu thụ, giá cả tăng cao.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay nhiều đại lý, DN kinh doanh mặt hàng này nhận định, giá sắt thép đã ổn định hơn những tháng đầu năm và đang có dấu hiệu chững lại, xuống giá.
Nhưng không còn “sốt” như những tháng đầu năm
Trước những đợt cao điểm khan hiếm, tăng giá các loại VLXD, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định sẽ là bất lợi cho thị trường BĐS, xây dựng, cho người dân khi có nhu cầu xây dựng bởi những chi phí phát sinh từ việc đội giá nhiều mặt hàng VLXD.
Tuy nhiên, những lo ngại đó cũng dần được tháo gỡ khi nhu cầu về các loại VLXD trên thị trường vẫn ở mức cao, song mặt bằng chung về giá cả hiện tại lại không nhảy múa, biến động như thời điểm cách đây một vài tháng.
Theo những số liệu từ Cục quản lý giá, Bộ Tài chính mới đây cho biết, giá bán lẻ xi măng trong tháng 4/2016 cơ bản ổn định so với tháng 3/2016. Tại các tỉnh thành miền Bắc, miền Trung phổ biến từ 1,05 - 1,55 triệu đ/tấn. Tại các tỉnh miền Nam phổ biến từ 1,46 - 1,85 triệu đ/tấn. Trong khi đó, giá thép xây dựng bán lẻ trên thị trường tăng từ 100 - 500 đ/ kg so với tháng 3/2016. Cụ thể, tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung giá dao động phổ biến ở mức 12.600 - 15.650 đ/kg.
Còn theo những con số mà Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) thông tin mới đây cho biết, tính đến trung tuần tháng 5, cả nước tiêu thụ hơn 24 triệu tấn xi măng và clinker.
Đánh giá về khả năng đáp ứng của thị trường thép với nhu cầu xây dựng hiện nay, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Nguyễn Văn Sưa cho rằng, hiện tại thép là sản xuất theo nhu cầu. Đối với các sản phẩm thép xây dựng hiện nay, các DN sản xuất hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Bởi hiện tại năng lực của ngành thép mới chỉ huy động được 50 - 60%. Nếu phát huy hết có thể sản xuất được hàng chục triệu tấn/năm.
Ở một góc nhìn khác về sự lên xuống, trồi sụt của thị trường VLXD thời gian qua, giám đốc một DN sản xuất VLXD ở tỉnh Yên Bái cho rằng, thị trường các mặt hàng VLXD có thể “sốt” ở thời điểm nhất định nào đó. Song, hướng chính của các DN sản xuất cung ứng là vẫn phải tìm cho mình một lượng khách hàng “ruột” tiềm năng nhất định thì mới có thể ổn định được cả đầu ra lẫn doanh số kinh doanh.
Rõ ràng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản, xây dựng từ đầu năm đến nay là một tín hiệu đáng mừng đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh VLXD. Nhu cầu về các loại vật liệu vẫn gia tăng, trong khi giá cả ít có sự biến động cũng là những tín hiệu lạc quan cho người tiêu dùng.