Bỗng dưng lãi lớn nhờ thuế tự vệ! (02/08/2016)

Chính sách áp thuế tự vệ đối với phôi thép đã giúp các doanh nghiệp thép trong nước hưởng lợi rất lớn, tăng trưởng lợi nhuận đột biến. Tuy nhiên, Tổng công ty Vnsteel lại đang “đuối” hơn về lợi nhuận so với các doanh nghiệp tư nhân.

Thị trường thép và vật liệu xây dựng trong nửa đầu năm 2016 đã khởi sắc do có nhiều yếu tố thuận lợi như: các dự án bất động sản được triển khai đầu tư rầm rộ, giảm nhanh tồn kho thép, giá tăng cao… Đặc biệt là chính sách áp thuế tự vệ phôi thép đã “cứu nguy” cho doanh nghiệp thép.

Lãi nghìn tỷ nhờ chính sách

Mới đây, công ty cổ phần tập đoàn Hoà Phát (mã: HPG) bất ngờ công bố lãi đậm tới hơn 2.030 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý II/2016. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục của quý II năm nay, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế, lợi nhuận sau thuế 6 tháng qua đạt khoảng 3.050 tỷ đồng, giúp Hoà Phát dễ dàng vượt xa mục tiêu 3.200 tỷ đồng lãi ròng cả năm 2016.

Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Giám đốc tài chính kiêm Kế toán trưởng Hòa Phát, sản lượng tiêu thụ thép 6 tháng đầu năm khá tốt, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và đạt 785.000 tấn. Hiện, Hoà Phát nằm trong nhóm ba doanh nghiệp có thị phần tiêu thụ lớn nhất (chiếm 20,5% thị phần).

“Thị phần giảm song lợi nhuận 6 tháng của Hoà Phát lại tăng mạnh là do đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, giá cả cạnh tranh nên khi thị trường tăng thì tập đoàn được hưởng lợi”- Lãnh đạo Hoà Phát giải thích.

Cụ thể, Hoà Phát đã bán được 140.000 tấn phôi thép, tiêu thụ 211.000 tấn ống thép, xuất khẩu gần 11.000 tấn sang các nước khu vực Asean… Nhờ đó, doanh thu bán hàng sau 6 tháng đạt 15.400 tỷ đồng, bằng 55% kế hoạch, trong đó riêng quý II, doanh thu đạt tới 8.144 tỷ đồng và lãi ròng đột biến 2.030 tỷ đồng.

Kết quả tăng trưởng cao này có sự “hỗ trợ” đáng kể từ chính sách áp thuế tự vệ của Bộ Công Thương ban hành ngày 7/3/2016. Theo đó, mức thuế suất áp với phôi thép nhập khẩu là 23,3% và thép dài nhập khẩu là 14,2%, áp dụng tối đa trong vòng 200 ngày.

Chính sách này đã khiến cho giá thép nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh khoảng 30%, làm giảm sức cạnh tranh, giúp thép nội có lợi thế tiêu thụ và giá bán hấp dẫn hơn.

Tại đại hội cổ đông thường niên vào tháng 4 vừa qua, Chủ tịch Hoà Phát Trần Đình Long cho rằng việc áp thuế tự vệ mới chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty sản xuất phôi từ thép phế liệu, mà không phải là các công ty sản xuất thép từ quặng như Hòa Phát. Nhưng khi thị trường có xu hướng tích cực, lượng tiêu thụ và giá bán tăng, công ty cũng được hưởng lợi theo.

Trong quý II/2016, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thép cũng bất ngờ khởi sắc, lợi nhuận tăng vọt. Đơn cử: Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) tăng trưởng doanh thu 23%, đạt 1.902 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng “sốc” tới 22 lần, đạt 261 tỷ đồng. Hai công ty cổ phần Thép Dana Ý (DNY) và Thép Nam Kinh (NKG) đều có lợi nhuận sau thuế tăng gấp 5 lần, đạt lần lượt 13,5 tỷ đồng và 237 tỷ đồng…

Tăng trưởng chỉ nhất thời?

Trong khi các doanh nghiệp thép tưng bừng báo lãi, chia thưởng hậu hĩnh thì “ông lớn” ngành thép là Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) lại khá lặng lẽ công bố kết quả kinh doanh. Vnsteel là doanh nghiệp được hưởng lợi lớn từ chính sách áp thuế tự vệ đối với phôi thép song thực tế, luôn báo lãi rất “mỏng”.

Tại hội nghị tổng kết kinh doanh, ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Tổng Giám đốc VNsteel, cho biết, trong 6 tháng qua, sản xuất phôi thép ước đạt 983.000 tấn, tăng 22% so với cùng kỳ. Song sản lượng tiêu thụ thép chỉ tăng 7%, ước đạt 314.000 tấn. Ở mảng thép xây dựng có sản lượng đạt 1,6 triệu tấn, tăng 23% so với cùng kỳ, tiêu thụ ước đạt 1,6 triệu tấn và tăng 23% so với cùng kỳ năm trước…

Nhờ sản xuất, tiêu thụ tăng cao, tổng doanh thu của công ty mẹ – Tổng công ty Vnsteel ước đạt 577,6 tỷ đồng, bằng 47% kế hoạch cả năm 2016). Doanh thu hoạt động tài chính 157,9 tỷ đồng, đạt 82% kế hoạch năm. Tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt gần 105,2 tỷ đồng, khối công ty mẹ ước lãi 339 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Vnsteel cho biết, một số công ty trước đây làm ăn thua lỗ, đến hết tháng 6/2016 đã báo lãi. Số doanh nghiệp thua lỗ trong hệ thống Vnsteel còn lại rất ít, như: công ty trách nhiệm hữu hạn Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) vẫn còn lỗ 275,35 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2016.

Theo Vnsteel, lợi nhuận của doanh nghiệp thép lỗ hay lãi đang phụ thuộc chủ yếu vào giá cả và nhu cầu thị trường. Với trường hợp VTM, tổng công ty đầu tư xây dựng nhà máy từ lúc thị trường thép sôi động, nhưng đến lúc ra sản phẩm lại gặp lúc suy thoái, thép rớt giá, thép Trung Quốc giá rẻ cạnh tranh khốc liệt.

Do đó, nhà máy VTM càng sản xuất càng thua lỗ, chi phí vay nợ tăng cao, lãi mẹ đẻ lãi con… dẫn tới mất cân đối tài chính.

Thế nhưng, từ tháng 4/2016 đến nay, chính sách áp thuế tự vệ phôi thép đã “cứu nguy” cho VTM, giúp giảm bớt khó khăn, cải thiện doanh thu, nhưng gánh nặng thua lỗ hàng trăm tỷ đồng vẫn chưa thể trút bỏ.

Thị trường thép trong nửa cuối năm 2016 được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, song biện pháp thuế tự vệ tạm thời kéo dài 200 ngày sẽ giúp các doanh nghiệp nội có lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy doanh thu, lợi nhuận tốt hơn.


 

Bình luận & chia sẻ
Đang tải bình luận,....