UBND tỉnh Ninh thuận cam kết sẽ cung cấp đủ 250.000 -300.000 m3 nước/ngày đêm cho HSG đảm bảo sản xuất từ 6 -12 triệu tấn thép.
Thông tin trên Dân Việt, bản thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) do ông Lê Phước Vũ đại diện cho HSG và ông Lưu Xuân Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận ký ngày 24/10/2015 cho thấy, HSG được ưu ái với hàng loạt các chính sách khi thực hiện dự án Khu liên hiệp luyện cán thép Hoa Sen - Cà Ná (Ninh Thuận).
Cụ thể, HSG sẽ được cấp khoảng 1.400 ha diện tích đất để đầu tư siêu dự án. Trong đó, UBND tỉnh Ninh Thuận cam kết giao đất sạch, đã hoàn tất việc giải phóng mặt bằng và tái định cư, đáp ứng kịp thời tiến độ triển khai dự án như hai bên đã cam kết. Thời hạn thực hiện dự án là 69 năm, kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Siêu dự án thép Cà Ná có tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỉ USD.
Hai bên sẽ tranh thủ tối đa sự ủng hộ của Bộ GTVT để cho chủ trương xây dựng tuyến đường sắt nối dự án đến ga Cà Ná sớm nhất và vận hành tuyến đường sắt này để phục vụ cho dự án của HSG.
UBND tỉnh Ninh Thuận cũng cam kết thực hiện các hành động cần thiết để đạt được sự chấp thuận hoặc cấp phép từ Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu của HSG về việc cung cấp đủ điện cho dự án.
Đáng chú ý, theo báo Dân Việt, Ninh Thuận là tỉnh thường xuyên chịu hạn hán khốc liệt trong thời gian gần đây và đã phải Công bố tình trạng hạn hán khẩn cấp trong năm 2015, nhưng UBND tỉnh vẫn cam kết sẽ cung cấp đủ 250.000 -300.000 m3 nước/ngày đêm cho HSG đảm bảo sản xuất từ 6 -12 triệu tấn thép. Đặc biệt, UBND tỉnh cũng chấp thuận tách hai kênh nước khác biệt nhau để đảm bảo cung cấp nước cho nông nghiệp và công nghiệp.
UBND tỉnh Ninh Thuận cũng cam kết sẽ xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đến hàng rào khu công nghiệp Cà Ná.
Không chỉ ưu đãi về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng cam kết cùng với chủ đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt 69 năm triển khai dự án; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% thuế phải nộp, (5%) cho 9 năm tiếp theo. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, sau khi quyết toán thuế với cơ quan thuế, nếu doanh nghiệp bị lỗ được chuyển khoản lỗ sang những năm sau để trừ vào thu nhập chịu thuế. Thời gian chuyển lỗ không quá 5 năm.
Ngoài ra, UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ cùng với chủ đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép giảm 50% thuế thu nhập cá nhân bao gồm cả thu nhập thường xuyên và không thường xuyên (kể cả người Việt Nam và nước ngoài) làm việc ở dự án; được miễn thuế đối với việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, linh kiện sản xuất…; được miễn thuế đất, thuế mặt nước và ưu đãi mức cao nhất đối với thuế tài nguyên nước…
UBND tỉnh Ninh Thuận cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để cấp phép cho cán bộ, công nhân viên liên quan tới hoạt động của Dự án được đi đào tạo ở nước ngoài; UBND tỉnh cũng sẽ hỗ trợ kinh phí để đào tạo nhân lực nhằm nâng cao trình độ cho cán bộ, công nhân viên đáp ứng yêu cầu của hoạt động sản xuất kinh doanh khu liên hợp nhà máy.
Dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen - Cà Ná có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 10 tỷ USD, công suất 16 triệu tấn/năm, lớn nhất cả nước. Dự án đã được bổ sung vào quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020, xét đến 2025.
Sau bài học Formosa, các chuyên gia ngành thép và kinh tế cảnh báo, việc cho phép đầu tư dự án thép phải thận trọng, cảnh giác và có kiểm soát nghiêm ngặt về môi trường.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận hôm 27/8 tại Ninh Thuận, ông Lê Phước Vũ hứa với Thủ tướng và các bộ, ngành sẽ thực hiện siêu dự án thép Cà Ná không gây ô nhiễm môi trường, nếu thất hứa sẽ trả lại tài sản cho Nhà nước, đóng cửa nhà máy và đem ra tòa xử.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý các bộ ngành, địa phương về vấn đề xây dựng các nhà máy ở ven biển và bảo vệ môi trường. Theo đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, khi đặt nhà máy phải có quy hoạch, tránh tình trạng băm nát bãi biển để chia lô bán đất. Các nhà máy sản xuất ở ven biển cần tập trung bảo vệ môi trường. Nếu vi phạm môi trường phải đóng cửa nhà máy và trả lại toàn bộ tài sản.
“Công tác đánh giá tác động môi trường phải làm nghiêm khắc với quan điểm phát triển bền vững. Tôi nhắc đi nhắc lại chỗ này. Bài học đã có rồi”, Thủ tướng nói.