UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa trao chứng nhận đầu tư Dự án thép trị giá 3 tỷ USD cho Tập đoàn Hòa Phát (HPG); UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng vừa trao giấy phép đầu tư Dự án trị giá 868 tỷ đồng của Pomina… Đầu tư vào ngành thép “nóng rẫy” ngay đầu năm 2017.
Vốn lớn chảy vào thép
Việc Hòa Phát đổ 3 tỷ USD vốn đầu tư cho Dự án thép công suất 4 triệu tấn/năm cho thấy, doanh nghiệp trong nước đã dần đủ lớn để tự mình đầu tư các tổ hợp thép có quy mô lớn.
Dự án thép của HPG chia làm 2 giai đoạn với thời hạn hoạt động 70 năm. Theo kế hoạch, giai đoạn I sẽ sản xuất 2 triệu tấn thép/năm với sản phẩm thép thanh và thép cuộn chất lượng cao. Giai đoạn II có công suất như trên với sản phẩm thép cuộn cán nóng bề dày từ 1,2 mm đến 19 mm, khổ rộng từ 700 - 1650 mm.
Trong những năm gần đây, ngành sản xuất thép của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá tốt, đạt trung bình 15%/năm giai đoạn 2011-2015. Tổng sản lượng thép sản xuất bởi các doanh nghiệp trong nước năm 2015 là gần 15 triệu tấn. Năm 2016, tổng sản lượng thép trong nước sản xuất đạt 17,5 triệu tấn.
Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) cho hay, trước đây, do các doanh nghiệp trong nước không đủ năng lực tài chính và kỹ thuật, nên Việt Nam phải kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư các khu luyện thép liên hợp. Đến nay, một số doanh nghiệp Việt Nam đã có đủ năng lực, có thể đầu tư các tổ hợp thép có quy mô lớn.
Xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp trong nước tiếp tục được thể hiện qua thế mạnh của ngành thép nội, với các sản phẩm thép xây dựng và HPG cũng không đứng ngoài xu thế đầu tư này.
Cùng ngày với HPG nhận Giấy phép đầu tư cho Dự án 3 tỷ USD, Công ty cổ phần Thép Pomina đã chính thức nhận Giấy phép xây dựng Nhà máy tôn mạ màu, với công suất 600.000 tấn/năm tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 1, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tổng vốn đầu tư đăng ký của dự án này là 868 tỷ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng nhà máy tôn mới với công suất 600.000 tấn/năm được Pomina đầu tư toàn bộ dây chuyền công nghệ, thiết bị hiện đại, tiên tiến nhập khẩu từ châu Âu, gồm 2 dây chuyền cán nguội, 2 dây chuyền mạ kẽm, một dây chuyền mạ màu...
Giai đoạn I của dự án sản xuất tôn sẽ khởi công trong năm 2017, dự kiến đưa hoạt động vào năm 2018 với công suất 200.000 tấn/năm. Giai đoạn II dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2020, nâng tổng công suất nhà máy lên 600.000 tấn/năm
Sức hút từ lợi nhuận
Có thể nói, lợi nhuận chính là lực đẩy lớn khiến các doanh nghiệp đầu tư làm thép. Đơn cử, năm 2016, tổng doanh thu của HPG là gần 34.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt mức 6.600 tỷ đồng, tăng tương ứng 34% và 89% so với 2015, thì mảng kinh doanh thép đã đóng góp tới 80% cho thành tích của HPG.
Trong số các “ông lớn” ngành thép, đến từ các khu vực: các doanh nghiệp nhà nước (đại diện là Tổng công ty Thép Việt Nam - Vnsteel); các doanh nghiệp tư nhân như thép Hòa Phát, tôn Hoa Sen và khối doanh nghiệp nước ngoài… đều có kết quả kinh doanh khả quan.
Kết thúc năm 2016, đại diện cho doanh nghiệp có vốn nhà nước, VnSteel đã mang về mức doanh thu 60.386 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.822,5 tỷ đồng, riêng Công ty mẹ đạt 170 tỷ đồng.
Ngoài yếu tố về lợi nhuận, quá trình rà soát Quy hoạch ngành thép của Bộ Công thương cho thấy, đến năm 2020 cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô; đến năm 2025, thiếu hụt 20 triệu tấn thép thô… cũng là lý do thúc đẩy các doanh nghiệp đổ vốn đầu tư thép.
Bộ Công thương cho rằng, đây là thời điểm Việt Nam cần phát triển ngành công nghiệp thép để khai thác tối đa các lợi thế về tài nguyên.
Theo tính toán của Bộ Công thương, nếu xây dựng được các khu luyện thép liên hợp có công suất 7 - 10 triệu tấn/năm, mỗi năm có thể khai thác được khoảng 15 triệu tấn quặng sắt từ mỏ sắt Thạch Khê và các mỏ sắt khác trong nước. Đặc biệt, các loại thép sản xuất trong nước có nhiều lợi thế cạnh tranh so với thép nhập khẩu, trong điều kiện cạnh tranh bình đẳng, không có yếu tố trợ giá.
Ông Chu Đức Khải, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, trong năm 2016, ngành thép chịu sức ép lớn khi liên tục vướng vào các vụ kiện thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp từ các nước nhập khẩu.