Ngăn chặn thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc vào thị trường nội địa tiếp tục được nguyên đơn là 4 doanh nghiệp Việt Nam (Công ty cổ phần China Steel Sumikin Việt Nam, Công ty TNHH Tôn Phương Nam, Công ty cổ phần Thép Nam Kim và Công ty cổ phần Tôn Đông Á)) giữ nguyên quan điểm.
Cụ thể, Công ty Luật Mayer Brown JSM, đại diện cho nguyên đơn đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) xem xét áp dụng biện pháp chống bán phá giá tại quyết định cuối cùng, rà soát lại hồ sơ, dữ liệu của các DN bị điều tra nhằm bảo đảm tính toán biên độ phá giá chính xác và xem xét áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực cho giai đoạn 90 ngày trước ngày áp thuế sơ bộ.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, việc tính toán mức bán phá giá hợp lý nhằm ngăn chặn sản phẩm thép mạ bán phá giá vào Việt Nam là rất cần thiết để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Quá trình của vụ việc được bắt đầu từ cuối năm 2015, khi 4 nhà sản xuất thép mạ của Việt Nam đã gửi đơn đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh thụ lý vụ việc. Giai đoạn điều tra được xác định từ ngày 1/10/2014 đến ngày 30/9/2015.
Sau khi Bộ Công thương ban hành Quyết định số 818/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép mạ nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc (tháng 3/2016), đến ngày 1/9/2016, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 3584/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời sản phẩm thép mạ nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo đó, 8 công ty của Trung Quốc bị áp thuế ở mức 4,02 - 38,34%, trong khi doanh nghiệp của Hàn Quốc bị áp mức thuế chống bán phá giá 12,4 - 19%.
Phản kháng trước việc sản phẩm đưa vào Việt Nam bị áp thuế 12,4%, đại diện Công ty Posco Hàn Quốc cho rằng, vụ việc này không có thiệt hại/đe dọa gây thiệt hại đáng kể đến ngành sản xuất trong nước.
Theo Posco, lượng thép mạ nhập khẩu từ Hàn Quốc chiếm 4,57% là tỷ lệ rất nhỏ trong giai đoạn điều tra so với các sản phẩm nhập khẩu khác, trong đó bao gồm thép mạ cao cấp và mác thép có chứng nhận cung ứng cho phân khúc thị trường cao cấp phục vụ các lĩnh vực ô tô và điện tử. Hơn nữa, giá bình quân của thép mạ nhập khẩu từ Hàn Quốc cao hơn 85 USD/tấn so với giá bình quân của các đơn vị sản xuất thép mạ tại Việt Nam.
Trong khi đó, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Trung Quốc (CCOIC) đề nghị Cơ quan điều tra làm rõ một số vấn đề liên quan đến khác biệt về sản phẩm. CCOIC lập luận rằng, sản phẩm thép mạ sản xuất trong nước có chiều rộng từ 900 mm trở lên, phục vụ các công trình công nghiệp đóng tàu, trong khi thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc có chiều rộng từ 600 mm đến 820 mm, phục vụ công trình dân dụng, nên các sản phẩm này không cạnh tranh với nhau.
Theo quy định, tất cả ý kiến của các bên liên quan tại Phiên tham vấn sẽ được cơ quan điều tra phân tích, phản ánh trong báo cáo cuối cùng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra báo cáo cuối cùng.