Theo báo cáo công tác chính phủ do Thủ tướng Lý Khắc Cường công bố, Trung Quốc cam kết sẽ giảm công suất thép 50 triệu tấn và công suất than ít nhất 150 triệu tấn trong năm nay.
Các mục tiêu giảm công suất sản xuất thép và than đã lần đầu tiên được vạch ra trong báo cáo công tác thường niên của Chính phủ Trung Quốc tại kỳ họp thứ 5 Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa XII khai mạc ngày 5/3.
Theo báo cáo công tác chính phủ do Thủ tướng Lý Khắc Cường công bố, Trung Quốc cam kết sẽ giảm công suất thép 50 triệu tấn và công suất than ít nhất 150 triệu tấn trong năm nay. Trong bản báo cáo năm ngoái, Chính phủ nước này cũng đã cam kết cắt giảm công suất hai mặt hàng này, song chưa đề ra mục tiêu cụ thể.
Năm 2016, Trung Quốc đã giảm công suất than khoảng 290 triệu tấn và công suất thép khoảng 65 triệu tấn. Việc nước này tiếp tục kế hoạch giảm công suất sản xuất trên hoàn toàn phù hợp với dự báo của thị trường.
Trung Quốc vừa là nước sản xuất vừa là nước tiêu thụ thép và than lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, tình trạng dư thừa nguồn cung đang dẫn tới tình trạng giá hàng hóa và nguyên liệu thô sụt mạnh, kéo lợi nhuận của các công ty sản xuất than và thép Trung Quốc xuống thấp, đẩy họ vào cảnh nợ nần chồng chất.
Do đó việc cắt giảm công suất sản xuất thép và than là hết sức cần thiết và sẽ đem lại lợi ích về dài hạn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, song quá trình này không tránh khỏi những thách thức.
Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều vốn này lại đưa ra các kế hoạch thu hút đầu tư, thuế và việc làm cho các chính quyền địa phương. Bởi vậy, ít nhất đã có hai trường hợp chính quyền địa phương buộc phải phá vỡ các quy tắc về cắt giảm công suất sản xuất thép và than.
Sau cuộc biểu tình của các công nhân mỏ do không được trả lương đúng hạn hồi năm ngoái Trung Quốc đã đề xuất thiết lập một quỹ hỗ trợ trị giá 15 tỷ USD nhằm đảm bảo ổn định xã hội.