Lên kế hoạch từ năm 2016, CTCP Tập đoàn Hoa Sen nuôi tham vọng trở thành “ông trùm thép” thông qua việc đầu tư siêu dự án tổ hợp thép Cà Ná tại Ninh Thuận. Thế nhưng, trước kết luận của Thủ tướng Chính phủ, “giấc mơ” này của Hoa Sen đã tan biến.
Hoa Sen “vỡ mộng”
Dự án thép Cà Ná có công suất gần gấp đôi so với tổng công suất sản xuất tôn, ống thép của Hoa Sen hiện tại, với công suất trên 6 triệu tấn, nguồn vốn có thể lên tới vài tỷ USD. Nếu dự án Cà Ná được triển khai, Việt Nam sẽ trở thành công xưởng sản xuất thép của khu vực với hàng loạt công trình lớn do doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư. Với công suất trên, Hoa Sen sẽ là doanh nghiệp Việt có công suất sản xuất thép lớn nhất.
Tính đến tháng 4/2017, sau nửa năm có chủ trương đầu tư xây dựng tổ hợp dự án thép Cà Ná tổng mức đầu tư 10,6 tỷ USD, tương ứng khoảng 230.000 tỷ đồng, Hoa Sen đã rót 14 tỷ đồng vốn góp vào 5 doanh nghiệp được thành lập để triển khai dự án.
Thế nhưng, vừa qua Chính phủ ra kết luận “số phận” của dự án thép Cà Ná khi yêu cầu tỉnh Ninh Thuận và các cơ quan tạm dừng đề xuất dự án để làm rõ một số vấn đề. Theo nội dung từ Chính phủ, Chính phủ ghi nhận nỗ lực kêu gọi, thu hút đầu tư của tỉnh Ninh Thuận, Bộ Công thương để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh này, song nhận thấy dự án thép Cà Ná mới dừng ở mức đánh giá sơ bộ, công tác chuẩn bị dự án còn vội vàng, thông tin dự án còn bất cập, chưa đầy đủ, toàn diện.
“Đây là dự án công nghiệp nặng luyện cán thép được đề xuất sau sự cố nhà máy thép Formosa nên rất nhạy cảm, vì vậy bước nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư cần làm kỹ các nội dung trên ở mức nghiên cứu khả thi dự án” - Thủ tướng nêu ý kiến. Kết luận trên đã khiến ước mơ trở thành "ông trùm thép" của Hoa Sen tan biến.
Hoa Sen vẫn là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành tôn mạ (Ảnh: VDSC)
Dừng lại là tốt cho Hoa Sen
Kể từ khi thông tin Tập đoàn Hoa Sen quyết định đầu tư vào dự án thép Cà Ná dư luận đã có hai chiều hướng đối lập với nhau. Thế nhưng, phần đông các nhà đầu tư tỏ ra lo ngại trước quyết định này của tập đoàn khi quy mô của dự án quá lớn sẽ đặt gánh nặng lên đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp, khi hiện tại vốn điều lệ của Hoa Sen chưa tới 2.000 tỷ đồng, chỉ bằng một phần nhỏ của vốn cố định tại dự án này. Kế hoạch của Hoa Sen cũng cho thấy doanh nghiệp sẽ đầu tư dài hạn gần 9.000 tỷ đồng, tức 80% tổng vốn cố định cho dự án. Với mức lãi suất dài hạn 8-10%/năm hiện tại, dự kiến Hoa Sen phải trả lãi vay ít nhất 700 tỷ đồng/năm, một sức ép không hề nhỏ. Trong khi doanh nghiệp vốn đã sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính (tỷ lệ tổng nợ/tài sản khoảng 67% tại ngày 31/12/2016).
Mặt khác, rủi ro biến động giá nguyên liệu cũng là nguyên nhân tác động lớn. Theo nhận định của các chuyên gia phân tích của một công ty chứng khoán tại TP.HCM, một rủi ro lớn khác là biến động giá nguyên vật liệu. Quặng sắt, than cốc và thép phế liệu hầu hết được nhập khẩu, diễn biến giá trên thị trường quốc tế vốn bị tác động bởi Trung Quốc - người mua lớn nhất, sẽ ảnh hưởng đến dự án này. Gần đây nhất, việc giá than cốc tăng mạnh đã gây ảnh hưởng tiêu cực lên lợi nhuận của nhiều nhà máy thép tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Thêm nữa, giá bán thép thanh nội địa không nhạy như giá bán tôn mạ, việc chuyển tăng giá cho người tiêu dùng sẽ khó khăn hơn. Về rủi ro trong cạnh tranh, nhân tố lớn nhất vẫn là thép phá giá nhập khẩu do tình trạng dư cung thép kéo dài ở Trung Quốc.
Như vậy, nhiều chuyên gia cho rằng việc hoãn dự án là tin tốt cho các hoạt động cốt lõi của Hoa Sen như tôn mạ và ống nhựa. Các dây chuyền mới của Hoa Sen sẽ tăng công suất thép lên 28% trong giai đoạn 2016-2017, cũng như thế chống bán phá giá chính thức áp lên tôn mạ kẽm, mạ lạnh nhập khẩu sẽ góp phần tăng sản lượng tiêu thụ cho doanh nghiệp.
Hoa Sen từ lúc này có thể dồn toàn lực vào các ngành thế mạnh và sự tăng trưởng của các ngành này đủ để mang lại cải thiện về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận cho Hoa Sen. Hoãn sử dụng một lượng vốn lớn là một dấu hiệu cho thấy Hoa Sen có thể trả cổ tức tiền mặt nhiều hơn. Hoa Sen dự kiến trả cổ tức trong niên độ 2016-2017 tối đa là 1.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn so với niên độ trước (2.500 đồng/cổ phiếu) do cần huy động vốn cho dự án Cà Ná. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại khi dự án đã hoãn thực hiện, Hoa Sen có thể sẽ nâng mức trả cổ tức tiền mặt, bởi nhu cầu vốn cho các hoạt động cốt lõi ít hơn so với dự án trên. Chuyên viên ngành ước tính, đối với số lượng cổ phiếu lưu hành hiện tại, Hoa Sen có thể duy trì mức cổ tức tiền mặt khoảng 2.000 đồng/cổ phiếu và vẫn giữ lại hơn 70% lợi nhuận kiếm được trong một vài năm tới.