14/06/2017 Không thuộc diện khuyến khích nhưng phế liệu sắt thép nhập về Việt Nam ngày càng tăng mạnh

Riêng phế liệu sắt thép nhập khẩu từ Nam Phi tăng đột biến tới gần 3.000% trong thời gian qua.

Phế liệu sắt thép là nhóm hàng nhập khẩu thuộc diện kiểm soát ngặt nghèo với nhiều quy định và thuộc danh mục hàng hóa không khuyến khích nhập khẩu, do ảnh hưởng đến môi trường; thế nhưng nhóm hàng này nhập khẩu về Việt Nam ngày càng tăng mạnh; đặc biệt, nhập khẩu từ thị trường Nam Phi tăng đột biến tới 2.993% về lượng (tức tăng gấp 31 lần) và tăng 2.751% về trị giá (tức tăng gấp hơn 28 lần) so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2017 cả nước đã nhập khẩu hơn 1,7 triệu tấn phế liệu sắt thép, trị giá gần 488,2 triệu USD. Như vậy, giá trung bình khoảng 6,2 triệu đồng/tấn (cao hơn nhiều so với mức giá nhập khẩu trung bình 4,9 triệu đồng/tấn của năm 2016). Lượng nhập trung bình khoảng hơn 11.400 tấn/ngày (trong khi lượng nhập trung bình của năm 2016 là 10.684 tấn/ngày).

Thị trường cung cấp phế liệu sắt thép cho Việt Nam chủ yếu là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hồng Kông, Australia và Singapore. Nhập qua các cửa khẩu cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn và một phần chuyển bằng đường sắt qua Lào Cai và Lạng Sơn.

Biểu đồ lượng phế liệu sắt thép nhập khẩu từ các thị trường vào VN

Việt Nam nhập khẩu phế liệu sắt thép nhiều nhất từ thị trường Nhật Bản, trong 5 tháng đầu năm nhập 546.582 tấn, trị giá 156,2 triệu USD (giảm 46% về lượng và giảm 22% về trị giá so cùng kỳ năm 2016).

Hoa Kỳ – thị trường lớn thứ 2 cung cấp phế liệu sắt thép cho Việt Nam. 5 tháng đầu năm, nhập khẩu từ Hoa Kỳ tăng mạnh 849% về lượng và tăng 1.393% trị giá so với cùng kỳ (đạt 319.379 tấn, trị giá 92,1 triệu USD). Tính riêng trong tháng 5/2017, lượng phế liệu sắt thép nhập từ thị trường này tăng đột biến so với tháng 4/2017, tăng tới 1.159% về lượng (tức tăng gấp 12 lần) và tăng 1.306% về trị giá (tức tăng gấp hơn 14 lần).

Tiếp đến thị trường Hồng Kông với 260.200 tấn, trị giá 73 triệu USD (tăng 50% về lượng và tăng 110% về trị giá so với cùng kỳ).

Nhìn chung, trong 5 tháng đầu năm 2017 nhập khẩu phế liệu sắt thép từ tất cả các thị trường đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái (ngoại trừ thị trường Nhật Bản và Philippines sụt giảm so với cùng kỳ).

Điểm nổi bật nhất trong 5 tháng đầu năm nay là nhập khẩu phế liệu sắt thép từ thị trường Nam Phi; mặc dù lượng nhập khẩu tuy không lớn, chỉ 9.495 tấn, trị giá 2,4 triệu USD, nhưng so với cùng kỳ năm 2016 thì tăng đột biến tới 2.993% về lượng (tức tăng gấp 31 lần) và tăng 2.751% về trị giá (tức tăng gấp hơn 28 lần).

Nhập khẩu phế liệu sắt thép từ thị trường NewZealand cũng rất đáng quan tâm, bởi lượng nhập khẩu tăng mạnh tới 563% và trị giá cũng tăng 1.004% (đạt 47.897 tấn, tương đương 14,7 triệu USD); riêng trong tháng 5/2017, nhập khẩu từ thị trường này tăng vượt trội nhất so với các thị trường khác, với mức tăng 2.344% về lượng (tức tăng gấp 24 lần) và tăng 2.825% về trị giá (tức tăng gấp 29 lần) so với tháng 4.

Ngoài ra, nhập khẩu thép phế liệu từ các thị trường Australia, Singapore, Chi Lê, Canada và Campuchia cũng tăng mạnh từ 200% - 500% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân nhập khẩu phế liệu sắt thép vào Việt Nam ngày càng tăng mạnh, do đây là nhóm nguyên liệu đầu vào chủ yếu của một số nhà máy thép trong nước (có tới 2/3 số doanh nghiệp sản xuất phôi thép trong nước dùng nguyên liệu đầu vào là phế liệu sắt thép) bởi chi phí rẻ hơn so với mua phôi để luyện thép. Tuy nhiên, bởi lý do môi trường nên mặt hàng này thuộc diện kiểm soát ngặt nghèo với nhiều quy định và thuộc danh mục hàng hóa không khuyến khích nhập khẩu.

Trong quy định của Bộ Tài Nguyên & Môi trường về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu (bao gồm phế liệu sắt thép), các doanh nghiệp phải ký quỹ tới 20% giá trị lô hàng để đảm bảo mặt hàng nhập khẩu, nếu xảy ra tác động đến môi trường sẽ lấy kinh phí xử lý và ứng phó. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đáp ứng tiêu chí có nhà xưởng, kho bãi chuyên dụng, có mái che, xử lý thoát nước... mới được nhập khẩu.

Tính đến hết năm 2016, cả nước có hơn 40 tỉnh có cơ sở nhập khẩu, chế biến phế liệu sắt thép, trong đó 1/3 là các cơ sở gia công, chế biến sắt thép nhập khẩu, các xưởng, doanh nghiệp cung cấp nguyên phụ liệu cho các nhà máy sắt thép trong nước. Do đó nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, bởi lượng phế liệu sắt thép thường đi kèm với nhiều loại chất thải độc hại, cần xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường.

Theo thống kê, tổng số các cơ sở nhập khẩu và sử dụng phế liệu trên cả nước tính đến hết năm 2014 là 349 cơ sở. Trong đó, số lượng cơ sở nhập khẩu trực tiếp phục vụ sản xuất là 220 cơ sở; số lượng doanh nghiệp nhập khẩu ủy thác là 94 doanh nghiệp. Có 35 cơ sở, doanh nghiệp có Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu nhưng không có hoạt động nhập khẩu.

Mặc dù tại Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định trong 36 chủng loại phế liệu được phép nhập khẩu đều phải được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, trong năm 2015 - 2016, đã có nhiều vụ nhập khẩu phế liệu sắt thép tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu là linh phụ kiện tàu thuyền, máy móc nhưng được hoàn nguyên, tái sử dụng trong nước. Đây là nguy cơ khiến Việt Nam trở thành bãi rác công nghiệp của các nước.

Bình luận & chia sẻ
Đang tải bình luận,....