09/12/2017 Tin sốc với thép Việt Nam xuất xứ Trung Quốc: Hoa Kỳ áp thuế cao chưa từng thấy, lên tới 531%

Thép cuộn cán nguội Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá của Mỹ là 531%, trong khi thép chống ăn mòn sẽ phải đối mặt với thuế 238% .

Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 5/12 đã thông báo áp dụng thuế nhập khẩu các sản phẩm thép từ Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc sau khi phát hiện trốn tránh các lệnh chống bán phá giá và chống trợ cấp của Hoa Kỳ.

Reuters cho rằng, quyết định đánh dấu thắng lợi của các nhà sản xuất thép Mỹ sau khi đã giành được thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép Trung Quốc trong năm 2015 và 2016. Các nhà sản xuất thép của Mỹ lập luận rằng, các sản phẩm của Trung Quốc đang chuyển hướng sang các nước thứ ba để trốn tránh nghĩa vụ thuế.

Tin soc voi thep Viet Nam xuat xu Trung Quoc: Hoa Ky ap thue cao chua tung thay, len toi 531% hinh anh 1

Mỹ quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với thép Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết sẽ áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với thép chống ăn mòn và cán nguội từ Việt Nam có nguồn gốc từ thép cuộn cán nóng của Trung Quốc.

Mặc dù sản phẩm được chế biến tại Việt Nam được sản xuất chống ăn mòn hoặc cán nguội để sử dụng trong ô tô hoặc thiết bị, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết có đến 90% giá trị sản phẩm thép nhập vào Hoa Kỳ có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Ngành công nghiệp thép toàn cầu đang phải đối mặt với dư thừa năng lực sản xuất, phần lớn nằm ở Trung Quốc, khiến giá thép giảm xuống. Một diễn đàn G20 vừa qua đã không đạt được bước tiến đáng kể nào trong việc đưa ra giải pháp giữa Bắc Kinh và Washington.

Theo thông báo của Bộ thương mại Hoa Kỳ, thép chống ăn mòn Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc nhập khẩu nhập khẩu vào Hoa Kỳ sẽ phải chịu thuế chống phá giá và chống trợ cấp với tỷ lệ lần lượt là 199,43% và 39,05%.

Trong khi thép cán nguội sản xuất tại Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc chịu thuế chống phá giá và chống trợ cấp với tỷ lệ 265,79% và 256,44%.

Như vậy, thép cuộn cán nguội Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp của Hoa Kỳ lên tới 531%, trong khi thép chống ăn mòn sẽ phải đối mặt với thuế 238% - mức thuế cao đủ để đẩy cả hai sản phẩm ra khỏi thị trường Hoa Kỳ. Các mức thuế cuối cùng dự kiến sẽ được công bố vào ngày 16/2.

Mức thuế này sẽ áp dụng cho tất cả các lô hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ vào hoặc sau ngày 4/11/2016, kể từ ngày bắt đầu có các kiến nghị về gian lận.

Quyết định này được đưa ra sau khi Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 11 cho rằng các lô hàng thép từ Việt Nam vào EU cũng trốn tránh nhiệm vụ thuế.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết sau khi áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép Trung Quốc vào năm 2015, các lô hàng thép cuộn cán nguội từ Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ đã tăng lên 295 triệu USD mỗi năm từ mức 11 triệu USD.

Vụ kiện này bắt nguồn từ một đơn khởi kiện tháng 9 do các nhà sản xuất Mỹ ArcelorMittal USA, Nucor Corp, AK Steel Holdings Corp và Steel Corp Hoa Kỳ cáo buộc rằng các nhà sản xuất Trung Quốc bắt đầu chuyển các lô hàng thép của họ tới Việt Nam "ngay lập tức" sau khi bị áp thuế.

Trước đó, phản hồi về thông tin EU phát hiện thép Trung Quốc phù phép thành thép 'Made in Vietnam' để trốn 9,6 triệu USD tiền thuế, Bộ Công thương cho biết, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 5,5 triệu tấn thép từ Trung Quốc, trị giá 3,17 tỷ USD.

Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là thép hợp kim cán phẳng (mã HS 7225 3090, 7225 4090), thép mạ hoặc tráng kẽm (HS 7210 4912), thép không gỉ cán phẳng (7219 1300), thép cuộn (HS 7209 1600) và thép dạng thanh, que (HS 7227 2000).

9 tháng đầu năm 2017, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ 378.164 tấn thép, trị giá 302,9 triệu USD. Nhóm xuất khẩu nhiều nhất là thép mạ crom (HS 7210 6111) đạt 93 triệu USD, chiếm 31% lượng thép xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Số liệu thống kê của hải quan cho thấy, có 11 mặt hàng thép xuất khẩu sang Hoa Kỳ có mã HS trùng với mặt hàng thép nhập khẩu từ Trung Quốc, chiếm 34% lượng thép xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Các mã HS còn lại hoặc không nhập từ Trung Quốc, hoặc lượng nhập rất ít, không đủ để xuất khẩu

Bộ Công Thương cũng cho rằng, đến nay, chưa nhận được thông tin nào từ phía Hoa Kỳ về việc Hoa Kỳ sẽ tiến hành điều tra mặt hàng thép có nguồn gốc từ Trung Quốc gian lận xuất xứ của Việt Nam khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Bình luận & chia sẻ
Đang tải bình luận,....