Với rất nhiều thách thức mà ngành thép đang đối diện như vấn đề thừa cung, xu hướng phòng vệ thương mại gia tăng, áp lực về giá nguyên liệu, sức cạnh tranh... thì tiệm cận với chất lượng của thế giới là một trong những cách để phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành thép Việt.
Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết sản xuất thép thành phẩm tháng 8/2019 chỉ đạt hơn 2 triệu tấn, giảm 1,15% so với tháng trước; sản lượng tiêu thụ đạt 1,8 triệu tấn, giảm 10,34% so với tháng trước và giảm 4,4% so với cùng kì năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu thép chỉ đạt hơn 355.000 tấn, giảm 2,74% so với tháng 7/2019 và giảm 9,3% so với cùng kì năm 2018.
Đáng chú ý, chỉ trong vài tháng gần đây, xuất hiện nhiều vụ khởi xướng điều tra và kết luận sơ bộ về các sản phẩm thép Việt lẩn tránh thuế, bán phá giá.
Đơn cử như Bộ Thương mại Mỹ đã thông báo quyết định sơ bộ khẳng định thép cacbon chống ăn mòn và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp từ Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) hay Hiệp hội Thép Việt Nam và Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cảnh báo những nguy cơ thị trường Canada có thể sẽ áp dụng các biện pháp điều tra lẩn tránh thuế của thép Việt...
Thêm vào đó, trong những năm gần đây, ngành thép toàn cầu phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất do sự đầu tư nóng của ngành thép Trung Quốc.
Các nước đã nỗ lực để giảm công suất, tuy nhiên đến năm 2018, dư thừa công suất vẫn ở mức cao, riêng Trung Quốc hàng năm dư thừa công suất và phải xuất khẩu hơn 100 triệu tấn thép, gấp gần 4 lần tiêu thụ thép của Việt Nam đã gây áp lực lớn cho ngành thép Việt Nam.
Ngành thép toàn cầu phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất do sự đầu tư nóng của ngành thép Trung Quốc. Ảnh: Báo Đấu thầu.
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Sưa, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết Trung Quốc đang gặp vấn đề về dư cung và khó khăn trong xuất khẩu sang thị trường Mỹ nên nhiều khả năng các doanh nghiệp thép nước này sẽ tìm cách đẩy mạnh tiêu thụ sang các nước khác, nhất là Việt Nam.
Với sản phẩm thép cán nóng, các doanh nghiệp Việt Nam mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu tiêu thụ nên phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ các nước, trong đó có Trung Quốc.
Việc thép Trung Quốc vào Việt Nam không chỉ đe dọa đến nền sản xuất thép trong nước của Việt Nam mà đáng lo ngại hơn là nguy cơ lẩn tránh nguồn gốc, xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu đi nước khác, đặc biệt là Mỹ
"Các hành vi như vậy, nếu diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam, có thể chỉ đem lại lợi ích nhất thời cho một bộ phận rất nhỏ doanh nghiệp.
Nhưng sẽ ảnh hưởng đến đại đa số các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính, cũng như ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của hàng xuất khẩu Việt Nam một khi những hành vi này bị các cơ quan chức năng của nước sở tại điều tra và phát hiện", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định tại hội thảo về "Chính sách, qui định về xuất xứ và chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại" vừa qua.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến năng lực cạnh tranh của ngành thép Việt Nam khá thấp so với khu vực cũng như thế giới là các nhà máy có công suất nhỏ, thiết bị lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng và nguy cơ tiềm ẩn về môi trường; các nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép như than cốc, quặng sắt, thép phế liệu, điện cực phải nhập khẩu.
Toàn cảnh hội thảo "Phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành thép Việt Nam" diễn ra ngày 9/10 tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.
Tại hội thảo "Phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành thép Việt Nam" diễn ra ngày 9/10 tại TP HCM, ông Nguyên Minh Thiện, Phó giám đốc Công ty CP Đông Á cho rằng trong bối cảnh các doanh nghiệp thép đứng trước cơ hội khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế toàn cầu với 16 FTA đã có hiệu lực, đã và đang đàm phán, thì xu hướng tương lai sẽ chuyển dịch từ sản phẩm thép dài sang thép dẹt là yếu tố tất yếu của các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, tổng lượng thép bình quân vẫn còn thấp hơn các nước trong khu vực 245 kg/đầu người. Chủ yếu tập trung vào ngành xây dựng yêu cầu chất lượng phổ thông.
Các sản phẩm tập trung cho ngành xây dựng chất lượng như nhà xưởng công nghiệp còn khá thấp khoảng 1% mặc dù tăng trưởng của ngành này 15 - 17%/năm. Các sản phẩm chất lượng cao tập trung cho ngành thiết bị gia dụng và sản xuất cho ngành cơ khí chỉ xấp xỉ 0,5%.
Ngoài ra, xu thế giá nguyên liệu đang ngày càng tăng cao, đặc biệt là giá quặng sắt đã lên đỉnh điểm trong vòng 5 năm trở lại đây khiến giá của các vật liệu thép khác cũng tăng, thêm vào đó là chi phí về năng lượng, nhiên liệu như điện, xăng dầu tăng.
Tất cả yếu tố này làm cho chi phí của doanh nghiệp cao hơn, trong khi giá bán ra không tăng được vì áp lực cạnh tranh.
Ông Đoàn Danh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam tại hội thảo "Phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành thép Việt Nam". Ảnh: Như Huỳnh
Ông Đoàn Danh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam, cho biết "Tổng sản lượng thép tiêu thụ biểu kiến năm 2019 dự kiến đạt hơn hơn 22 triệu tấn sản phẩm dẹt như thép cuộn cán nóng, cuộn cán nguội, tôn mạ kim loại, sơn phủ màu, thép không gỉ,... chiếm khoảng 52% tổng sản lượng".
Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, ông Tuấn cho rằng việc phát triển sản phẩm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu ra thị trường thế giới dựa trên một chuỗi cung ứng bền vững, cập nhập những xu thế và yêu cầu của các thị trường quốc tế là điểm mấu chốt để các doanh nghiệp thép Việt Nam tiệm cận với nhu cầu thị trường thế giới cũng như đảm bảo phát triển bền vững trước những biến động của thị trường.
Đồng quan điểm, Phó giám đốc Công ty CP Đông Á cho biết tổng sản lượng cung 2018 gần 26 triệu tấn cao hơn tổng lượng cầu 14,5 triệu tấn, tương đương gấp 1,8 lần.
Dự kiến trong 3 năm tới tỉ lệ cung cầu này sẽ tiến tới cân bằng và cạnh tranh về giá không còn là yếu tố chính mà tập trung vào cạnh tranh chất lượng và dịch vụ.
"Doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại hóa cao thì chất lượng sản phẩm sẽ tiệm cận với chất lượng của thế giới. Ngoài ra yếu tố dịch vụ phải đứng đầu và xuyên suốt.
Đồng thời phải đa dạng hóa sản phẩm, đi vào phân khúc chất lượng cao, yêu cầu công nghệ cao để có thể tránh được sự cạnh tranh.
Và một khi đã chuẩn hóa được nguyên liệu đầu vào, đầu tư công nghệ thì chắc chắn đầu ra sản phẩm sẽ tốt hơn và đáp ứng được yêu cầu của những thị trường xuất khẩu", ông Thiện chia sẻ.