31/05/2017 Bảo hộ thương mại - Vấn đề đau đầu của ngành thép toàn cầu

Thép giá rẻ Trung Quốc gây ngập lụt thị trường thế giới nhưng liệu những hàng rào bảo hộ thương mại có giải quyết được tình trạng này?

Trung Quốc hiện là quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới và cũng là tác nhân chính làm gia tăng sự mất cân bằng trong ngành thép toàn cầu.

Cứ 2 cuộn thép Trung Quốc sản xuất thì chỉ có 1 cuộn được tiêu thụ, 1 cuộn còn lại đem vào chất đống trong kho. Đến năm 2016, số thép tồn kho khoảng 350 triệu tấn. Để giải quyết phần thép dư thừa khổng lồ, nhiều công ty Trung Quốc đã tìm cách đánh chiếm các thị trường khác bằng việc giảm giá thành, thậm chí thông qua những công ty "mượn danh nghĩa".

Nhu cầu thép Trung Quốc giảm đã kéo theo sự sụt giảm giá thép trên toàn cầu. Hệ quả là một làn sóng trượt giá lan tỏa khắp thế giới bởi các công ty thép quốc tế phải gồng mình, nỗ lực để cạnh tranh được với mức giá xuống thấp của Trung Quốc.

Hàng loạt cái tên lớn phải đứng trước bờ vực phá sản như Tata Steel tại Anh, US Steel của Mỹ. Trước cuộc khủng hoảng này, ngày càng nhiều chính phủ lựa chọn việc tăng cường kiểm soát nhập khẩu nhằm bảo vệ ngành thép nội địa. Ngành thép toàn cầu đang chứng kiến một cuộc tranh chấp thương mại lớn chưa từng có.

Tháng 2/2017, Ủy ban châu Âu thông báo áp thuế chống phá giá lên thép Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc)

Tiếp đó, ngày 20/4/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu mở một cuộc điều tra thép nhập khẩu bất kể sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc hay các nước châu Âu.

Không chỉ tiến hành điều tra thép nhập khẩu, Tổng thống Donald Trump còn muốn đẩy mạnh chính sách "Buy American" khuyến khích tiêu thụ sản phẩm thép sản xuất tại Mỹ. Chưa biết chính sách bảo hộ này của Mỹ có thực sự vực dậy được ngành thép nước này hay không, tuy nhiên, nó đã khiến không ít công ty thép xuất khẩu vào Mỹ phải lo lắng.

Theo Bloomberg, nạn nhân của cuộc chiến bảo hộ này sẽ không phải chỉ hạn chế là các công ty Trung Quốc mà còn đang mở rộng phạm vi ra toàn cầu. Các chính phủ Đức, Nga, Hàn Quốc đều phải lên tiếng kêu gọi Washington thận trọng với việc áp dụng các biện pháp tăng cường bảo hộ đối với mặt hàng này.

Bình luận & chia sẻ
Đang tải bình luận,....