Việc Bộ Công thương ký quyết định chính thức sử dụng biện pháp tự vệ lên sản phẩm tôn mạ màu được cho là một phần ghép rất quan trọng, là lá chắn cho ngành thép nội địa trước tình trạng dư cung, phá giá ồ ạt ở thị trường thép thế giới.
Lá chắn cho ngành thép
Hàng loạt các doanh nghiệp thép trong nước đã bị ảnh hưởng bởi lượng hàng nhập khẩu từ nước ngoài chiếm gần 50%, đặc biệt sản phẩm từ Trung Quốc có giá thấp hơn giá bán được sản xuất tại Việt Nam, dẫn đến không thể cạnh tranh được.
Trước tình trạng này, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã có kiến nghị tới Văn phòng Chính phủ sớm ban hành quyết định áp thuế tự vệ đối với sản phẩm tôn mạ màu nhập khẩu ồ ạt từ nước ngoài vào Việt Nam. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2017, ngành thép nội địa nhập khẩu hơn 2 triệu tấn thép giá trị hơn 1,1 tỷ USD từ Trung Quốc, trong đó một phần lớn là sản phẩm tôn mạ màu do chính sách hạ giá để đẩy mạnh xuất khẩu của các nhà máy thép nước này. Do đó thị phần bán hàng nội địa của các nhà sản xuất trong nước bị thu hẹp. Khi ấy, VSA nhận định, một ngành sản xuất công nghiệp phải đối mặt với lượng nhập khẩu chiếm gần 50% thị phần sẽ không thể phát triển được.
Đáp ứng kiến nghị của VSA, Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với mặt hàng tôn màu nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc với mức thuế lên tới 19%. Quyết định này chính thức có hiệu lực từ 15/6.
Như vậy, nối tiếp thuế tự vệ thép dài, phôi thép (3/2016), thuế chống bán phá giá tôn mạ lạnh, tôn mạ kẽm (9/2016) thuế tự vệ tôn mạ màu được coi như một miếng ghép rất quan trọng trong tấm chắn cho ngành thép nội địa trước tình trạng dư cung, phá giá thép ồ ạt ở thị trường thép thế giới.
Các chuyên gia từ CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, quyết định của Bộ Công thương là hợp lý và tương đối kịp thời cho mục tiêu phát triển ngành sản xuất tôn mạ nội địa.
Dù mức thuế không cao như thị trường mong đợi, nhưng VDSC kỳ vọng chính sách này sẽ nhanh chóng phát huy tác dụng khi mà trong tháng 4/2017, các thành viên Hiệp hội Thép đạt gần 1 triệu tấn sản lượng tôn mạ bán ra, trong đó tôn mạ màu đạt 309.000 tấn, chiếm 31%.
Sản phẩm tôn mạ màu chính thức được Bộ Công thương quyết định áp thuế tự vệ.
Ai hưởng lợi?
Đối với ngành thép, và cụ thể là các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ sẽ được hưởng lợi chính trước quyết định này. Trong đó phải kể đến 2 doanh nghiệp đầu ngành niêm yết trên sàn là CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và CTCP Thép Nam Kim (NKG).
Có thể nhận thấy rõ tác động từ quyết định này lên giá cổ phiếu của 2 doanh nghiệp nói trên khi HSG tăng trần từ 30.700 đồng/cổ phiếu (30/5) lên 32.800 đồng/cổ phiếu (ngày 31/5) và cổ phiếu NKG tăng mạnh từ 31.900 đồng/cổ phiếu lên mức 34.000 đồng/cổ phiếu.
Theo số liệu từ VDSC, sản phẩm tôn mạ màu chiếm hơn 25% doanh thu của HSG (2015-2016). Đối với NKG, tôn mạ màu cũng nằm trong nhóm mặt hàng chủ lực, chiế m 14% tổng sản lượng bán trên nửa triệu tấn năm 2016.
Ngoài ra, Tôn Đông Á, Blue Scope và Tôn Phương Nam cũng có lượng tôn mạ màu bán ra chiếm tỷ trọng lớn trong doanh số và được kỳ vọng cũng hưởng lợi trực tiếp từ chính sách này.
Các tháng đầu năm 2017, HSG và NKG, hai doanh nghiệp đầu ngành liên tiếp đưa vào hoạt động các dây chuyền mới và ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng ở hầu hết các chỉ tiêu chính. HSG tăng trưởng sản lượng, doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ lần lượt 28%, 44% và 41% (2 quý đầu niên độ tài chính 2016-2017); con số của NKG là 13%, 33% và 138% (Q1/2017).
Đối với NKG, NKG là một cái tên nổi bật khi đang đẩy mạnh tiến độ nhà máy mới công suất 800.000 tấn/năm. Khi dây chuyền mạ kẽm/mạ lạnh cuối cùng của Nam Kim 3 hoàn thành cuối năm 2017, tổng công suất của NKG sẽ đạt hơn 1,2 triệu tấn tôn mạ/năm, tiếp tục giữ vị trí “á quân” về năng lực sản xuất trong ngành nội địa.
Ngoài ra, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng dự kiến vận hành dây chuyền tôn mạ màu 400.000 tấn trong năm 2018 và cũng sẽ được hưởng lợi từ chính sách bảo vệ ngành này.
Cơ cấu doanh thu của HSG niên độ 2015-2016. (Ảnh: VDSC)