16/02/2017 Thị trường quặng sắt thăng hoa nhờ những ẩn số từ Trung Quốc

Thị trường đang tái diễn cảnh tượng của đúng một năm trước đây.

Giá quặng sắt giao dịch trên Sàn Đại Liên (Trung Quốc) phiên 14/2/2017 đã tăng phiên thứ 6 liên tiếp và đạt mức cao nhất trong vòng 3 năm. Thị trường “hàng giấy” (paper market) đang đẩy thị trường hàng thực (physical market) tăng theo.

Quặng sắt giao tới cảng Tần Hoàn Đảo (Trung Quốc) đã tăng 6,5% lên 92,23 USD/tấn trong phiên 13/2, mức cao nhất kể từ tháng 8/2014, theo nguồn tin Metal Bulletin.

Giá quặng sắt tăng là điều “vô lý” khi mà nguồn cung mặt hàng này đang tăng và Trung Quốc nỗ lực cắt giảm công suất sản xuất thép.

Thị trường đang tái diễn cảnh tượng của đúng một năm trước đây, khi giá quặng sắt kỳ hạn tại Trung Quốc tăng mạnh bởi các nhà đầu cơ đổ tiền vào thị trường này bất chấp phí giao dịch tăng.

Vậy có phải “bong bóng” đầu cơ đang quay trở lại?

Quặng sắt không tích tụ ở Đại Liên

Tuy nhiên, so sánh các chỉ số thị trường quặng sắt Đại Liên hiện tại và một năm trước cho thấy những sự khác biệt đáng kể.

Khối lượng giao dịch đã tăng lên mức đỉnh cao vào quý 1 và 2 năm 2016. Ở thời điểm hiện tại, khi giá quặng sắt cao nhất 3 năm, khối lượng giao dịch trung bình là 1,43 triệu lô mỗi ngày (trung bình từ đầu năm tới nay), nhưng vào tháng 4 năm ngoái, khối lượng giao dịch trung bình ngày là 6,6 triệu lô.

Số lượng hợp đồng mở cũng tăng, hiện ở mức 1,547 triệu lô, song thấp hơn rất nhiều so với trên 2 triệu lô giai đoạn cuối tháng 2 – đầu tháng 3 năm 2016.

Rõ ràng hiện giá tăng vẫn do hoạt động đầu cơ của các nhà bán lẻ, và nhiều người trong số đó là các thương gia mua bán theo ngày, nhưng họ không săn đuổi quặng sắt theo số lượng như năm ngoái. Bản chất thị trường đã có sự khác biệt lớn so với cách đây một năm.

Thị trường đặt cược vào Trung Quốc

Việc giá hàng hoá tăng mạnh ở Trung Quốc năm vừa qua, không chỉ quặng sắt mà cả thép kỳ hạn giao sau, mặc dù gây nhiều lo ngại song đã có cơ sở để cho rằng điều đó đánh tín hiệu vui về thị trường bất động sản Trung Quốc. Các nhà đầu tư Trung Quốc nắm bắt sự chuyển đổi chính sách của Bắc Kinh nhanh hơn so với thế giới.

Trong khi các nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới vẫn đang than phiền về “điểm chết” mang tính chu kỳ thì các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc lại làm ngược lại những gì họ đã tuyên bố là chuyển hướng từ mô hình đầu tư vào tài sản cố định – lĩnh vực sử dụng nhiều kim loại – sang tăng trưởng dựa trên tiêu dùng.

Do tăng trưởng kinh tế chậm lại kéo dài, họ lại làm những điều mà trước đây đã làm, là bơm tiền vào cả 2 kênh hạ tầng cơ sở và xây dựng.

Tổng chi phí đầu tư cho bất động sản, một trong những lĩnh vực sử dụng nhiều thép nhất, đã tăng chậm lại trong năm 2015 nhưng tăng nhanh trở lại từ đầu năm 2016. Điều đó hoàn toàn phù hợp với những tín hiệu mua cả thép và quặng sắt mạnh mẽ lên trong năm vừa qua.

Các nhà máy thép Trung Quốc chỉ cần vài tháng là có thể đáp ứng được tình hình khi những gói kích thích quay trở lại. Cụ thể, sau khi giảm gần 1/3 trong năm 2015, sản lượng thép Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại và vào tháng 3/2016 đạt ngang mức một năm trước đó, với sản lượng cả năm 2016 tăng 1,2%.

Những tác động tới giá quặng sắt đã bị phóng đại bằng việc những cơ sở sản xuất nhỏ của Trung Quốc giảm sản lượng khi giá giảm thấp trong năm 2015.

Hiện tại, các chỉ số vĩ mô tích cực sẽ thúc đẩy nhu cầu thép tăng lên.

Đầu tư vào bất động sản đã tăng 6,8% trong tháng 12/2016 so với cùng tháng năm trước. Sản lượng thép cùng thời điểm tăng 3,2%.

Thực hư nhu cầu của Trung Quốc

Vậy việc Trung Quốc cắt giảm sản lượng thép thực hư ra sao?

Bắc Kinh đã cắt giảm khoảng 85 triệu tấn công suất sản xuất thép dư thừa trong năm vừa qua, đợt cắt giảm đầu tiên trong mục tiêu giảm 150 triệu tấn trong vòng 5 năm. Mức giảm 85 triệu tấn là vượt kế hoạch.

Họ cũng đang chịu áp lực cả từ quốc tế cũng như trong nước về về viẹc gia tăng xuất khẩu thép và mức độ ô nhiễm ở các thành phố ngày càng trầm trọng.

Nhưng giữa số liệu công bố và thực tế có sự khác biệt lớn.

Theo nghiên cứu kết hợp của Greenpeace và Custeel – nhà tư vấn liên kết với Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc, công suất sản xuất thép của Trung Quốc chỉ giảm khoảng 23 triệu tấn trong đợt cắt giảm đầu theo kế hoạch.

Thẹc vậy, báo cáo mới đây cho thấy công suất sản xuất thép Trung Quốc năm 2016 đã tăng trở lại ngay sau chiến dịch đóng cửa những nhà máy gây ô nhiễm. Greenpeace và Custeel cho biết tổng công suất sản xuất thép ròng năm 2016 của Trung Quốc tăng 36,5 triệu tấn.

Trong tổng công suất 85 triệu tấn cắt giảm theo báo cáo trong năm 2016, phần lớn đã ngừng hoạt động từ trước khi thống kê, và trên thực tế chỉ có 23 triệu tấn vẫn hoạt động. Và mặc dù năm qua Trung Quốc cấm các dự án mới, song Greenpeace cho biết vẫn có 12 triệu tấn công suất mới đi vào hoạt động. Đó là chưa kể 49 triệu tấn công suất sản xuất thép nữa được khôi phục trong năm qua khi giá hồi phục.

Tổng công suất thép Trung Quốc theo số liệu chính thức là 1,1 tỷ tấn trong năm 2016, thấp hơn một số ước tính trước đây song như vậy vẫn dư thừa khoảng 300 triệu tấn.

Triển vọng giá quặng sắt

Rõ ràng kích thích kinh tế ở Trung Quốc đang thúc đẩy đầu tư cho xây dựng mạnh mẽ hơn, sẽ thúc đẩy tiêu thụ quặng sắt.

Tuy nhiên cần cảnh giác với sự gia tăng hàng tồn kho ở các cảng Trung Quốc, bởi điều đó chứng tỏ dù nhu cầu từ ngành thép gia tăng nhưng nước này vẫn đang chật vật không “hấp thụ” hết nguồn cung từ thị trường quốc tế.

Nhưng vấn đề này không quá đáng lo ngại, trừ khi các nhà sản xuất quặng sắt Trung Quốc thấy giá trở nên hấp dẫn và khôi phục hoạt động khai thác với tốc độ nhanh.

Hơn nữa, không ai cho rằng Bắc Kinh sẽ bơm tiền để kích thích kinh tế vô thời hạn. Đợt bùng nổ này chắc chắn sẽ kết thúc bằng sự sụt giảm nhu cầu.

Vấn đề chính ở đây là liệu ngành thép Trung Quốc có thể đáp ứng kịp thời và hiệu quả hay không. Nếu không, thị trường sẽ tái diễn tình cảnh hàng tồn kho chất thành núi như trong quá khứ, và giá quặng sắt sẽ sụt giảm lê thê hệt như trong quá khứ đó.

Sự thay đổi về nhu cầu ở Trung Quốc lớn đến mức có thể thay đổi hoàn toàn thị trường quốc tế là điều khó có thể diễn ra trong ngắn hạn, nhưng ngàn quặng sắt có thể hy vọng đầu tư ở Trung Quốc sẽ kịp thời để mang lại hiệu quả.

Như vậy, giá quặng sắt đang tăng là rất “có cơ sở”, và triển vọng giá sẽ vững ở mức cao như hiện nay hoặc thậm chí còn tăng hơn nữa.

Bình luận & chia sẻ
Đang tải bình luận,....